Hen phế quản và cách phòng ngừa
Hen là một bệnh viêm mãn tính đường hô hấp. Tình trạng viêm này làm cho đường hô hấp trở nên rất nhạy cảm với nhiều chất kích thích khác nhau. Phấn hoa, hóa chất, bụi sinh vật, nấm, mốc, vi khuẩn, bụi vô cơ... là nguyên nhân đầu tiên khiến những người có cơ địa dị ứng, nhất là bệnh nhân hen tái phát hoặc phát bệnh. Bên cạnh đó, độ ẩm không khí cao, khả năng đề kháng của cơ thể giảm... cũng khiến cho bệnh hen phế quản trong mùa Đông Xuân cao hơn hẳn thời gian còn lại.
TS Võ Bảo Dũng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, khuyến cáo: Triệu chứng điển hình của bệnh là ho, khò khè, nặng và tức ngực, thở ngắn hơi. Người bệnh cần được chữa trị sớm và đúng cách.
Hen phế quản là bệnh mạn tính và cần phải dùng thuốc điều trị suốt đời, do những tác nhân gây bệnh hen phế quản rất phức tạp, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh tận gốc. Đối với những người mắc bệnh hen, quan trọng nhất là cần phải được kiểm soát và tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị từ bác sĩ.
Đồng thời, hạn chế lên cơn hen bằng cách tránh xa các dị ứng như phấn hoa, mạt nhà, nấm mốc, lông và biểu bì của các vật nuôi và gia súc; tránh tập thể dục nặng và quá sức; tránh các yếu tố kích phát cơn hen như khói bụi, đặc biệt khói thuốc lá; tránh thức ăn đồ uống đã gây dị ứng; tránh căng thẳng lo âu hay stress quá mức; giữ ấm cơ thể, đề phòng các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh đề phòng nhiễm khuẩn.
Hen phế quản ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách, theo dõi chặt chẽ, dùng thuốc dự phòng đều đặn và khám thường xuyên thì bệnh nhân hen phế quản vẫn có cuộc sống và tuổi thọ như người bình thường.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật)