Đề xuất tăng trợ cấp thai sản cho lao động nữ
Góp ý cho Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), các công đoàn địa phương và ngành cho rằng, quy định lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần là quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu và thực tiễn của lao động nữ. Mức hưởng và thời gian hưởng thai sản hiện nay còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho người mẹ sinh con. Vì vậy, các quy định này cần phải sửa.
Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) đang lấy ý kiến được đánh giá có nhiều quy định mới so với trước đây. Trong đó có các quy định liên quan đến quyền lợi của lao động nữ như: chế độ chăm sóc con ốm đau; chế độ hưởng khi khám thai, sinh con; chế độ đối với người mang thai hộ; chế độ với người nhận nuôi con nuôi; chế độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần...
Đáng chú ý, theo Khoản 1, Điều 48 của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội lần này vẫn giữ nguyên quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Cụ thể, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày cho 1 lần khám thai.
Theo góp ý của nhiều công đoàn địa phương, quy định này hiện không hợp lý do trên thực tế, trong suốt thời gian mang thai và sinh con, người lao động nữ đi khám thai nhiều hơn 5 lần.
Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng cho rằng, thông thường người phụ nữ mang thai phải trải qua ít nhất khoảng 7 lần đi khám thai định kỳ. Ngoài ra, còn có những lần khám thai theo chỉ định của bác sĩ. Do đó, đơn vị này đề xuất tăng thời gian khám thai hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của lao động nữ từ 5 lần/9 tháng thành 9 lần/9 tháng theo chu kỳ thai để đảm bảo sức khỏe người mẹ và thai nhi.
Đề xuất tăng mức hưởng và thời gian hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ.
Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, quy định chế độ đi khám thai đối với phụ nữ có thai là 5 tháng là quá ít và cần phải bảo đảm khám thai cho cả thai kỳ, ít nhất là 9 lần. Theo công đoàn này, cần bổ sung thời gian nghỉ thai sản cho lao động nam lên 7 ngày để đảm bảo vào bình đẳng giới và đủ thời gian chăm sóc vợ, con.
Ngoài quy định trên, một số công đoàn cũng đề xuất tăng mức trợ cấp và thời gian trợ cấp đối với lao động nữ khi sinh đẻ.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc, trên thực tế mức trợ cấp như hiện nay là quá thấp. Đặc biệt, căn cứ vào mức sống của từng vùng, số tiền trợ cấp nói trên chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho người mẹ sinh con.
Đơn vị này đề xuất nâng thời gian hưởng trợ cấp từ 2 tháng lên 4 tháng bởi đây là thời gian hồi phục cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ sau sinh con trước khi trở lại làm việc.
Cùng với đó, lao động nữ sinh con cần được trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương tối thiểu vùng và không giới hạn số lượng thân nhân được hưởng tiền trợ cấp tuất. Mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với lao động nữ khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cần nâng từ 2 triệu đồng/con khi sinh, bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu lên mức 3,6 triệu đồng và điều chỉnh tăng lên theo lương cơ sở vào từng thời điểm.
Theo Tổ chức lao động quốc tế, nhiều quốc gia như Singapore, Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hà Lan… đều quy định mức trợ cấp bằng 100% mức tiền lương của người lao động trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Vì thế, để đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động và phù hợp với xu hướng chung của nhiều quốc gia, dự thảo cần quy định mức trả trợ cấp thai sản tính trên mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Theo Dương Hưng (TPO)