Hưởng ứng nửa mùa
Có lẽ sau nhảy Gangnam Style (còn gọi là nhảy ngựa) thì “trò” thử thách với dội nước đá (Ice Bucket Challenge) đang là trào lưu gây sốt trong cộng đồng giới trẻ Việt Nam hiện nay. Đều là trào lưu ngoại nhập, tuy nhiên, khi hưởng ứng nhảy Gangnam Style, ngay cả khi không hiểu gì về xuất xứ, ý nghĩa (giễu nhại phong cách sống của người giàu mới nổi ở quận Gangnam, Hàn Quốc) thì với những động tác vui nhộn cùng âm nhạc sôi động của điệu nhảy - người khác nhìn vào, dẫu không thích cũng thấy đó là vô hại. Còn với việc dội xô nước đá lạnh băng lên đầu, lên người, trào lưu này đang vấp phải hai luồng ý kiến trái chiều, giữa ủng hộ và chỉ trích mạnh mẽ. Bởi, lằn ranh giữa đó là cách hưởng ứng cùng thế giới một trào lưu mang ý nghĩa nhân văn đẹp đẽ hay chỉ là biểu hiện biến tướng thành trò giải trí vô bổ (lại dễ gây tai nạn) còn nhập nhằng.
Là một chương trình từ thiện nhằm gây quỹ ủng hộ bệnh nhân bị căn bệnh teo cơ, dần tê liệt khả năng vận động, bằng cách dội nước đá lên người, người khác sẽ cảm nhận phần nào nỗi đau của những người không may mắn bị tê cứng, hóa đá. Để từ đó có hành động san sẻ thiết thực. Với ý nghĩa nhân đạo và được hưởng ứng bởi những nhân vật nổi tiếng trên thế giới, trào lưu Ice Bucket Challenge nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ trên thế giới. Không ngoại lệ, Ice Bucket Challenge cũng đã lan tới, du nhập vào Việt Nam và cộng đồng tiên phong hưởng ứng nhất là một số nghệ sĩ và giới trẻ. Giờ đây, mỗi ngày lại có thêm những clip quay lại cảnh dội nước đá của một nhóm người hay cá nhân được tung lên mạng.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người băn khoăn là, những người hưởng ứng trào lưu Ice Bucket Challenge ấy, họ… dội nước đá lên người vì điều gì, để làm từ thiện hay “tự sướng” rồi đem khoe? Bởi ở Việt Nam, trào lưu này chưa có ai, tổ chức nào đứng ra khởi xướng và quan trọng hơn là không có sự kiểm chứng là người thực hiện đã đóng góp bao nhiêu, đến địa chỉ nào? Theo dõi trên mạng sẽ thấy, người Việt Nam hưởng ứng Ice Bucket Challenge, đơn thuần chỉ là… động tác dội nước đá và khoe “thành tích thể hiện” của mình trên mạng, chứ tuyệt nhiên không thấy một tổ chức hay quỹ từ thiện nào đứng sau đó. Kiểu hưởng ứng nửa mùa này khiến cho trào lưu dội nước đá khi vào Việt Nam bị biến tướng và mất đi ý nghĩa vốn có ban đầu.
Đằng sau một trào lưu là câu chuyện lịch sử của nó. Có lẽ, trước khi hưởng ứng tràn lan, a dua theo phong trào, ý nghĩa, thông điệp của trào lưu Ice Bucket Challenge chưa được tuyên truyền, định hướng một cách đúng đắn, đầy đủ, khiến nhiều người nhìn vào chỉ thấy đó là hành động dị hợm. Thậm chí, người thực hiện cũng không chắc đã biết, hiểu hết.
KHẢI THƯ