Sản xuất khảo nghiệm giống lúa mới ở Phù Cát
Vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Cát phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên triển khai thực hiện 2 mô hình sản xuất khảo nghiệm giống lúa mới TBR97 tại thôn Phong An, xã Cát Trinh và giống lúa TBR87 tại thôn Kiều Huyên, xã Cát Tân. Mỗi mô hình có quy mô 1 ha, tổng cộng có 12 hộ nông dân tham gia. Các hộ tham gia được Công ty ThaiBinh Seed hỗ trợ 100% lúa giống và hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình sản xuất.
Kết quả cho thấy, 2 giống lúa TBR97 và TBR87 có chung đặc điểm là dễ canh tác, thích hợp trên nhiều loại đất… Năng suất giống TBR97 đạt khoảng 72 tạ/ha và giống TBR87 đạt khoảng 67 tạ/ha, so với giống lúa đối chứng HT1 sản xuất trên cùng chân đất cao hơn lần lượt là 13 tạ/ha và 8 tạ/ha; hiệu quả kinh tế cao hơn từ 10 - 14 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà ngoài mô hình.
Đại biểu tham quan mô hình sản xuất khảo nghiệm giống lúa mới TBR97 tại thôn Phong An, xã Cát Trinh. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Ông Đỗ Thiện, ở thôn Kiều Huyên, cho biết: Gia đình tôi sản xuất 2 sào với giống TBR87. Thực tế sản xuất cho thấy giống lúa này dễ chăm sóc, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, nhẹ phân, ít sâu bệnh và năng suất cao hơn các giống tôi sản xuất từ trước đến nay.
Còn ông Võ Nhuận, ở thôn Phong An, chia sẻ: Tôi sản xuất 3 sào giống TBR97. Giống lúa này rất ít sâu bệnh nên giảm được đáng kể chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật, lúa cứng cây, không đổ ngã, năng suất cao.
Ông Lê Hoàng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Cát, cho biết: Qua thực tế sản xuất, 2 giống lúa này rất phù hợp trên chân đất nghèo dinh dưỡng, ít sâu bệnh nhưng lại đạt năng suất cao. Thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục mở rộng mô hình trong vụ Hè Thu và các vụ tiếp theo; tăng cường hướng dẫn nông dân ứng dụng KHKT vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa, tạo sản phẩm gạo có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
TRƯỜNG GIANG