Tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại
(BĐ) - Đó là yêu cầu của UBND tỉnh đối với sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan liên quan, ngày 1.4.
Đáng chú ý, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục quán triệt triển khai đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra trường hợp tử vong ở người vì bệnh dại và tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại chó mèo đạt thấp do chủ quan, lơ là, thiếu kiên quyết.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người nuôi chấp hành các quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh dại khi bị chó mèo cắn.
Các địa phương thành lập tổ công tác liên ngành, kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức tiêm phòng bệnh dại và công tác quản lý chó, mèo nuôi, nhất là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng thấp. Đồng thời, chỉ đạo phòng NN&PTNT, Kinh tế, Y tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp tham mưu công tác quản lý chó, mèo nuôi, thống kê tổng đàn, tiêm phòng, tổ chức bắt chó thả rông và các biện pháp phòng, chống bệnh dại; bố trí kinh phí và nguồn lực để triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh dại, đảm bảo tiêm phòng đạt tỷ lệ 70% tổng đàn theo quy định.
Thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong tại 16 tỉnh, thành phố, tăng 16 trường hợp so với cùng kỳ. Tại Bình Định, từ năm 2023 đến nay chưa có trường hợp tử vong người do bệnh dại, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo nuôi còn ở mức thấp, nguy cơ bùng phát bệnh dại trên địa bàn tỉnh là rất cao.
MAI HOÀNG