Xử lý nghiêm các trường hợp tự mở lối đi dân sinh qua đường sắt
Ðể hạn chế, ngăn chặn tai nạn giao thông đường sắt, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 1981/UBND-KT ngày 18.3.2024 chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết các trường hợp tự mở các lối đi dân sinh qua đường sắt. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Trần Thanh Dũng - Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh, về vấn đề này.
Giám đốc Sở GTVT TRẦN THANH DŨNG
* Ông đánh giá như thế nào về thực trạng các tuyến đường ngang dân sinh tự mở qua các tuyến đường sắt trên địa bàn tỉnh?
- Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 tuyến đường sắt đi qua, gồm tuyến đường sắt Bắc - Nam (dài 136 km) qua địa bàn các địa phương: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh và tuyến đường nhánh nội thị từ Diêu Trì (huyện Tuy Phước) đến TP Quy Nhơn (dài 10,3 km).
Trên chiều dài các tuyến có 66 đường ngang giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong đó có 23 điểm giao cắt có bố trí người trực gác 24/24 giờ; 43 điểm được gắn hệ thống còi, đèn, thanh chắn cảnh báo tự động; 122 lối đi dân sinh người dân tự mở trái phép.
Thời gian qua, tại các lối đi dân sinh tự mở qua đường sắt, hầu hết đã được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rào đóng, có cắm biển cảnh báo “chú ý tàu hỏa”. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm lén lút tháo dỡ rào chắn, mở rộng các lối đi để thuận tiện vận chuyển hàng hóa, đi lại. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường sắt, nhất là quy tắc khi tham gia giao thông trên các tuyến đường ngang dân sinh của một số ít người dân còn chủ quan, tùy tiện. Đây là những yếu tố tiềm ẩn dẫn đến mất ATGT đường sắt, là nguyên nhân trực tiếp xảy ra các vụ TNGT.
Theo thống kê, năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 4 vụ TNGT đường sắt, làm chết 4 người; so với cùng kỳ năm 2022 số vụ tai nạn giảm 2, số người chết giảm 3. Trong đó, trên địa bàn TX Hoài Nhơn xảy ra 2 vụ làm chết 2 người, TX An Nhơn xảy ra 1 vụ làm chết 1 người, huyện Vân Canh xảy ra 1 vụ làm chết 1 người. Tuy số vụ tai nạn và số người chết do tai nạn đường sắt có giảm nhưng nguy cơ vẫn còn khá cao.
Lực lượng CSGT kiểm tra một trường hợp lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt đoạn qua huyện Phù Mỹ. Ảnh: N.H
* Đâu là những tồn tại, khó khăn trong việc xử lý, xóa bỏ các tuyến đường ngang dân sinh tự mở qua đường sắt, thưa ông?
- Do các tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh là tuyến đường độc đạo, đi qua nhiều địa phương, việc tồn tại nhiều tuyến đường ngang dân sinh mang tính lịch sử để lại. Trong đó, có nhiều tuyến đường độc đạo để đi lại của các khu dân cư, hay kết nối từ khu dân cư đến các cánh đồng sản xuất nông nghiệp hoặc đến các xí nghiệp, nhà máy… nên việc xóa bỏ các lối đi này là rất khó.
Để xóa bỏ các tuyến đường ngang dân sinh tự mở, phương án khả thi nhất là phải thi công các tuyến đường gom, hầm chui, hàng rào bảo vệ hành lang an toàn đường sắt. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo yêu cầu đề ra do nhiều địa phương còn thiếu kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, thủ tục pháp lý để cấp phép thi công các công trình, hạng mục đường gom dân sinh trong hành lang an toàn đường sắt còn kéo dài. Ngoài ra, chính quyền một số địa phương còn chưa quan tâm đến công tác đảm bảo ATGT đường sắt, chưa có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các cá nhân tự mở lối đi dân sinh qua đường sắt…
* UBND tỉnh vừa có Văn bản số 1981/UBND-KT chỉ đạo về việc xử lý lối đi tự mở qua đường sắt. Theo ông, đâu là giải pháp chủ yếu để thực hiện tốt công tác này?
- Để thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban ATGT tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã và chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường sắt; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tự ý mở các tuyến đường dân sinh qua đường sắt. Chủ động lập phương án tổng thể để xóa bỏ tất cả các lối đi tự mở trái phép.
Từ nay đến năm 2025, các sở, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần chủ động phối hợp xây dựng các tuyến đường gom, hầm chui qua đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt. Cắm biển cảnh báo hạn chế phương tiện giao thông đường bộ tại các lối đi tự mở; xây dựng gờ, gồ giảm tốc để cảnh báo cho người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ qua lối tự mở theo hướng dẫn của Bộ GTVT. Đồng thời thực hiện giải tỏa các vị trí vi phạm hàng lang ATGT đường sắt, các “điểm đen” tiềm ẩn TNGT đường sắt…
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)