Chấm điểm bệnh viện: phải sát thực tế
Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện được ban hành tháng 12.2013 được kỳ vọng là bộ công cụ đánh giá thực chất chất lượng bệnh viện ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi phải thay đổi các tiêu chí để sát với điều kiện của các bệnh viện.
Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện gồm 83 tiêu chí, được chia thành 5 nhóm: hướng đến người bệnh (19 tiêu chí), phát triển nguồn nhân lực (14 tiêu chí), hoạt động chuyên môn (38 tiêu chí), cải tiến chất lượng (8 tiêu chí), tiêu chí đặc thù chuyên khoa (4 tiêu chí). Có 5 mức độ đánh giá chất lượng: mức 1 - yếu kém, 2 - trung bình, 3 - khá, 4 - tốt, 5 - rất tốt.
100% bệnh viện chỉ đạt trung bình và kém (!)
Để đánh giá chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí, Sở Y tế đã có công văn hướng dẫn nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2013. Theo hướng dẫn này, 18 đơn vị khám, chữa bệnh trong tỉnh đã thực hiện tự đánh giá, chấm điểm. Sau đó, Sở Y tế đã thành lập đoàn phúc tra tại 9 đơn vị.
Dù được đầu tư nhiều cơ sở vật chất, nhưng BVĐK tỉnh vẫn chỉ đạt mức điểm trung bình chung 2,19.
- Trong ảnh: Khu nhà mổ mới đi vào hoạt động của BVĐK tỉnh.
Kết quả, đối chiếu với các tiêu chuẩn của hướng dẫn xếp loại chất lượng, hầu hết các đơn vị chỉ đạt chất lượng trung bình (có dưới 30% số chỉ tiêu ở mức 1 hoặc tỉ lệ các tiêu chí xếp từ mức 3 trở lên chiếm dưới 80%). Một số đơn vị xếp loại chất lượng kém (tỉ lệ tiêu chí ở mức 1 chiếm từ 30% trở lên) như Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Vân Canh, TTYT huyện Hoài Ân… Đáng chú ý, chưa có đơn vị nào đạt chất lượng khá.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, các đơn vị khám chữa bệnh thực hiện đánh giá theo Bộ tiêu chí là tự “soi”, để xác định chất lượng của mình đang ở mức nào, từ đó đưa ra vấn đề cần ưu tiên trong cải tiến chất lượng. Thời gian qua, hầu hết các đơn vị đã đề ra và thực hiện giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.
Tuy nhiên, bác sĩ Hùng cũng cho rằng, việc đánh giá theo Bộ tiêu chí còn mang tính áp đặt, có tiêu chí người được kiểm tra không hiểu phải làm như thế nào mới đạt được. “Bản thân người đánh giá phải hiểu rất rõ về quy trình quản lý chất lượng bệnh viện, người đi đánh giá phải là “người thầy”, người được kiểm tra không làm được thì phải chỉ bảo hướng dẫn cho họ”, ông Hùng đặt vấn đề.
Cần “dễ thở” hơn
Mới đây, trong buổi làm việc với Sở Y tế và các đơn vị khám, chữa bệnh trong tỉnh, Tiến sĩ Dương Huy Lương, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng (thuộc Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế), cho hay trong thời điểm hiện tại, Bộ Y tế chưa xếp hạng chất lượng bệnh viện. Thực hiện Bộ tiêu chí là đánh giá sơ bộ ban đầu, để các bệnh viện nhận ra mình còn thiếu và yếu ở mặt nào để tập trung cải tiến. “Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để dần hoàn thiện Bộ tiêu chí”, ông Lương khẳng định.
Theo nhận định của nhiều cán bộ y tế, Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện đặt mục tiêu hướng người bệnh làm trung tâm, nhưng lại khó “áp” vào thực tế, nhất là trong điều kiện phần lớn các bệnh viện vẫn đang “đau đầu” với bài toán quá tải. Tại TTYT thị xã An Nhơn, khoa Truyền nhiễm luôn đạt công suất giường bệnh trên 200%, nên tiêu chí người bệnh điều trị nội trú được nằm một người một giường là điều quá xa vời.
Với BVĐK TP Quy Nhơn - đơn vị có điểm xếp hạng cao nhất tỉnh (3,08), “xê đi xích lại” vẫn không đạt tiêu chí về vật dụng cá nhân và đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân. Theo Phó Giám đốc BVĐK TP Quy Nhơn Bùi Thị Phương Anh, quần áo thì có thể cung cấp, chứ chăn màn thì khó. Bên cạnh đó, phần lớn bệnh nhân nội trú ở gần bệnh viện, người nhà mang cơm đến, không thể “bắt ép” họ dùng cơm của bệnh viện. “Là bệnh viện hạng 2 khó khăn về kinh phí, độ vênh giữa Bộ tiêu chí và thực lực của bệnh viện phải tính đến 10 năm”, bác sĩ Anh bày tỏ.
Bác sĩ Lê Quang Hùng cho rằng có những tiêu chí cứng nhắc, như quy định khoảng cách giữa những người bệnh khi xếp hàng đăng ký khám. Bên cạnh đó là một số tiêu chí đòi hỏi quá cao, chỉ phù hợp với quốc tế như bệnh viện có mạng internet không dây phục vụ người bệnh; có siêu thị nhỏ cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu cho người bệnh và người thân…
Điểm đáng chú ý là Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện được áp dụng cho tất cả bệnh viện không phân biệt thứ hạng. “Nên đánh giá theo hạng bệnh viện, chứ “cào bằng” với 1 bộ tiêu chí cho tất cả như hiện tại thì không hợp lý”, bác sĩ Trương Đề, Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn, đặt vấn đề.
NGUYỄN VĂN TRANG
Bác sĩ Lê Quang Hùng cho rằng có những tiêu chí cứng nhắc, như quy định khoảng cách giữa những người bệnh khi xếp hàng đăng ký khám. Bên cạnh đó là một số tiêu chí đòi hỏi quá cao, chỉ phù hợp với quốc tế như bệnh viện có mạng internet không dây phục vụ người bệnh; có siêu thị nhỏ cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu cho người bệnh và người thân… ______ Theo tôi nghĩ những tiêu chí ấy đâu có gì khó .Lắp đặt mạng iternet không dây dung lượng cao cho toàn bệnh viện nhiều lắm chỉ vài chục triệu đồng. Còn siêu thị cho bệnh viện càng đơn giản hơn vì rất nhiều cá nhân và tổ chức đều muốn kinh doanh siêu thị trong bệnh viện. Chỉ cần mình kêu gọi đấu thầu,thông báo rộng rãi thì bệnh viện vừa không mất tiền để lo việc này,mà còn có thêm kinh phí cho bệnh viện. Hết sức đơn giản ,vấn đề là ban giám đốc bệnh viện có muốn làm hay không ?