Suy giảm thính lực do tiếng ồn
Việc thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn lớn hoặc trung bình trong thời gian dài có thể gây tổn thương các mô mềm của tai trong. Tế bào thần kinh ở tai trong sẽ bị phá hủy nếu tiếp xúc liên tục hoặc lặp đi lặp lại với những âm thanh này. Càng nhiều tế bào thần kinh bị phá hủy thì thính lực càng bị suy giảm. Suy giảm thính lực do tiếng ồn là một quá trình diễn ra từ từ, tích lũy và thường không gây ra đau đớn. Triệu chứng đầu tiên là những cảm giác mơ hồ của áp lực trong tai hay ù tai, nghe người khác nói như ở xa hơn, nghe như có tiếng ong, tiếng muỗi kêu trong tai khi ở nơi yên tĩnh.
Đặc biệt, người bệnh không nghe được âm thanh tần số cao, không nghe được giọng nói trong một đám đông hoặc ở khu vực ồn ào. Những triệu chứng này có thể mất đi trong vài phút, vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên, nếu tổn thương tiếp tục diễn ra, thính lực suy giảm hơn nữa thì không nghe được cả âm thanh có tần số thấp. Theo quy ước của Hội chống tiếng ồn quốc tế, các tiếng có cường độ 50-70dB nếu tác động liên tục có thể ảnh hưởng đến sức nghe; 70-90dB làm suy giảm dần sức nghe; trên 90dB làm thoái hóa cơ quan corti và các bộ phận tiếp nhận khác gây điếc tiếp âm; 130 dB làm chấn thương các cơ quan nghe gây điếc đột ngột.
Để hạn chế sự suy giảm thính lực do tiếng ồn, có nhiều biện pháp hỗ trợ điều trị là giảm tiếp xúc với tiếng ồn. Bước này đặc biệt quan trọng đối với những người làm việc trong môi trường ồn ào ở những thành phố náo nhiệt, tiếp xúc gần với máy móc hạng nặng hay động cơ phản lực… người bệnh có thể dùng một số dụng cụ bịt tai chuyên dụng. Đồng thời, sử dụng vật liệu hấp thụ âm thanh để giảm tiếng ồn ở nhà và nơi làm việc (rèm cửa và thảm, cửa sổ chống ồn). Thứ ba, không sử dụng nhiều máy móc ồn ào cùng một lúc, cố gắng giữ âm lượng tivi, dàn máy nghe nhạc và tai nghe ở mức độ vừa phải.
Bên cạnh đó, cần phòng chống viêm tai (giữ vệ sinh mũi họng, xử lý sớm các viêm mũi họng), thận trọng khi sử dụng thuốc, đặc biệt lưu ý các thuốc gây điếc cao như streptomycin không được dùng cho trẻ em, phụ nữ có thai, phun rắc trực tiếp vào tai.
Các trường hợp nghe kém thường diễn biến từ từ, nhiều khi chỉ bắt đầu ở 1 tai nên chỉ được biết đến khi sức nghe đã bị suy giảm rõ. Việc phát hiện sớm nghe kém qua đo sức nghe thường kỳ, đo sức nghe đơn giản có tầm quan trọng vì các trường hợp nghe kém nặng, việc phục hồi chức năng nghe rất khó, phức tạp và nhiều trường hợp không thực hiện được.
Phục hồi sức nghe là biện pháp rất quan trọng có tác dụng tốt với các trường hợp mệt mỏi nghe (sau lao động ở nơi tiếng ồn lớn để bảo vệ sức nghe). Tạo không gian yên tĩnh với tiếng ồn không quá 35dB, kịp thời cho những người phải thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn cao. Cho nghe nhạc với cường độ thích hợp, giai điệu nhẹ, với các tiếng sáo, violon giúp cho việc lấy lại sức nghe đã bị suy giảm qua lao động, tăng cường khả năng chịu đựng của cơ quan nghe trước các yếu tố gây hại lớn.
BS HOÀNG THỊ THANH BÌNH