Lấy trẻ làm trung tâm, tạo cơ hội cho trẻ phát triển
Hội thi giáo viên dạy mầm non giỏi cấp tỉnh năm 2023 - 2024 vừa tổng kết sau gần 1 tháng diễn ra. Hội thi được đánh giá đạt chất lượng khá tốt, với việc các biện pháp, hoạt động giảng dạy lấy trẻ làm trung tâm, nhằm tăng tính tương tác để trẻ phát triển tốt đã được chú trọng, nhiều sáng tạo hơn.
Thêm niềm vui, sự thích thú cho trẻ
Sáng hôm ấy tại Trường Mầm non Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), sau những tiếng hô đồng thanh chào cô giáo, gần 20 em nhỏ của lớp Chồi 3 hào hứng lắc lư, vỗ tay khi nghe có tiếng nhạc, rồi gõ tay vào hộp, chuyển động chân theo từng giai điệu bài hát. Thích thú chuyển động trên nền nhạc sôi động của bài hát “Bạn ơi có biết”, các bạn nhỏ còn tích cực tương tác với cô giáo, thi thoảng còn giơ tay thật cao chủ động trả lời câu hỏi của cô đưa ra.
Các em lớp Chồi 3 thích thú, say sưa trong tiết học âm nhạc thú vị của cô giáo Võ Thị Thu Thảo. Ảnh: H.T. ĐIỂM
Đây là những hoạt động tại lớp học âm nhạc của cô giáo Võ Thị Thu Thảo (Trường Mầm non Quy Nhơn). Nội dung trong tiết học là biện pháp giáo dục “Phát triển kỹ năng vận động cho trẻ 4 - 5 tuổi lớp Chồi 3 nhằm nâng cao chất lượng hoạt động âm nhạc trong Trường Mầm non Quy Nhơn” đạt giải nhất hội thi và được đánh giá có nhiều sáng tạo.
Cô Võ Thị Thu Thảo cho biết: “Ban đầu, tôi muốn tăng tính tập trung, năng động cho bé thông qua các bài vận động. Nhận thấy bộ gõ cơ thể (body percussion) là nghệ thuật chơi nhạc thú vị, có thể áp dụng nên tôi đã kết hợp vào bài giảng âm nhạc. Với các kỹ thuật chính theo thứ tự cường độ âm thanh phát ra, như: Đập bàn chân xuống sàn nhà; vỗ đùi bằng một hoặc cả hai tay; vỗ hai bàn tay với nhau, vỗ vào vật dụng…, tôi chủ động trang bị những vật dụng như hộp gõ, hình mô phỏng hoạt hình (đa phần đều làm bằng giấy) để tăng thêm sự hứng thú về màu sắc cho trẻ. Biện pháp này có thể phát huy được tính chủ động, sáng tạo và tập trung cho trẻ; đồng thời tạo môi trường vui chơi, giải trí phù hợp lứa tuổi các em; biện pháp này có thể áp dụng cho các em ở nhiều lứa tuổi”.
Cũng xuất sắc giành giải nhất tại hội thi là biện pháp “Phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật thông qua hoạt động tạo hình cho trẻ 4 - 5 tuổi ở trường mầm non” của cô giáo Võ Thị Mến (Trường Mẫu giáo Nhơn Thành, TX An Nhơn).
Cô Võ Thị Mến chia sẻ: “Tôi đã tiến hành biện pháp này trong 2 năm qua. Những em đã có kiến thức cơ bản về tạo hình, khi áp dụng thêm biện pháp này sẽ tăng thêm sự sáng tạo, tư duy hơn. Để làm được như vậy, tôi đã tìm hiểu nhiều kênh, các trang mạng về thiết kế tạo hình phù hợp, gần gũi để bé nhanh chóng tiếp cận, thích thú và say sưa trong từng tiết học. Chúng tôi mong rằng những biện pháp và hoạt động giảng dạy hay từ các cô giáo dự thi sẽ được lan rộng và cùng được áp dụng”.
Kết nối và lan tỏa
Hội thi nhằm tạo điều kiện để các giáo viên học hỏi, giao lưu, nâng cao trình độ chuyên môn. Nhiều biện pháp, phương pháp giảng dạy của các cô giáo mầm non phát huy được nhiều điểm mới, tính sáng tạo và có định hướng lan tỏa rộng đến cộng đồng, để mỗi lớp học đều có những phương pháp phù hợp, xây dựng cộng đồng giáo dục bền vững.
Đạt giải ba tại hội thi với biện pháp “Nâng cao chất lượng giáo dục phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ tại trường mẫu giáo”, cô Nguyễn Thị Hoa Mai (Trường Mầm non Cát Tân, huyện Phù Cát) mong rằng mỗi sáng kiến sẽ góp phần giúp các giáo viên mầm non có thêm phương án giáo dục hay hơn, nhằm phát triển năng lực, trí tuệ, tăng thêm niềm vui, sự thích thú cho trẻ trong mỗi tiết học.
Cô Nguyễn Thị Bích Cẩm (Trường Mầm non Bình Tường, huyện Tây Sơn) chia sẻ: “Đến với hội thi, tôi học hỏi được nhiều kiến thức mới, cách làm hay từ đồng nghiệp. Đặc biệt, nhiều đánh giá, góp ý của ban giám khảo đã giúp chúng tôi rút kinh nghiệm giảng dạy và hoàn chỉnh các biện pháp, bài giảng của mình để giảng dạy tốt hơn. Chúng tôi cũng mong rằng những biện pháp, phương pháp dạy hay của các cô giáo sẽ được tổng kết, đánh giá và hoàn chỉnh để có thể lan tỏa rộng, tạo ra môi trường học tập tốt hơn nữa cho các cháu”.
Đánh giá tổng kết hội thị, ông Phan Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Hội thi năm nay, nhiều giáo viên có sự đầu tư nghiêm túc về chuyên môn, kỹ năng và rất tâm huyết. Nhiều biện pháp được đề xuất có tính sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tạo điều kiện nhân rộng những biện pháp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có chất lượng cao và những hoạt động giáo dục tốt trong cộng đồng.
HỒ THỊ ĐIỂM