Gần 40% tài xế chống đối CSGT là người vi phạm nồng độ cồn
Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 51 vụ chống đối lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ, trong đó, 20 vụ người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia.
Ngày 3.4, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an, cho biết, trong quý I/2024, toàn quốc xảy ra 51 vụ chống đối lực lượng CSGT đang thi hành công vụ, trong đó, 20 vụ tài xế sử dụng bia, rượu. Các vụ việc khiến 21 cảnh sát bị thương.
Một tài xế quay video, không chấp hành việc kiểm tra của lực lượng chức năng.
Qua đó, lực lượng CSGT đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng khác bắt giữ 55 đối tượng bàn giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Hiện Cơ quan CSĐT đã khởi tố 50 vụ, 54 đối tượng; 1 vụ, 1 đối tượng đang củng cố hồ sơ khởi tố theo quy định.
Theo Cục CSGT, so sánh quý I/2023, số vụ tăng 30 vụ (51/21 vụ), so với quý IV/2023 tăng 19 vụ (51/32 vụ).
Các vụ việc xảy ra chủ yếu trên đường bộ và tập trung tại các đô thị, thành phố lớn như: Hà Nội (8 vụ); Thái Nguyên (8 vụ); Quảng Ninh (6 vụ); Lạng Sơn (4 vụ); Hải Phòng (2 vụ); Nghệ An (3 vụ); Bình Định (3 vụ); trên tuyến cao tốc (3 vụ)… và thời gian từ 3 giờ đến 22 giờ hằng ngày.
Điển hình, sáng ngày 21.2, tại km 106+500 QL18 (thuộc TP Hạ Long), tổ công tác Đội CSGT ĐB số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp Đội liên ngành số 1, Trạm kiểm tra tải trọng cân Quảng Ninh tiến hành lập chốt kiểm soát đo nồng độ cồn, ma túy, cân trọng tải các phương tiện tham gia giao thông.
Khi kiểm tra xe ô tô con BKS 23A-108.00, tài xế khoảng 40 tuổi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, quay đầu bỏ chạy ngược chiều đường, tông thẳng vào một đại úy CSGT dẫn đến thương tích.
Sau khi truy đuổi, CSGT đã dừng phương tiện và khống chế lái xe. Tài xế này vi phạm nồng độ cồn và dương tính với ma túy Methamphetamine.
Theo đại diện Cục CSGT, vụ việc trên chỉ là điển hình trong số ít các vụ chống đối lực lượng CSGT đang thi hành công vụ. Do đó, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với Cơ quan CSĐT củng cố hồ sơ để khởi tố điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu có dấu hiệu tội phạm.
"Các vụ điển hình cần được tổ chức xét xử lưu động tại khu dân cư để tuyên truyền, răn đe, giáo dục chung...” - đại diện Cục CSGT thông tin.
Theo Thanh Hà (TPO)