Hệ lụy từ những hội nhóm độc hại trên mạng xã hội
Cùng với những giá trị tích cực mang lại, mạng xã hội bộc lộ nhiều mặt tiêu cực khi một số hội nhóm độc hại, lệch lạc xuất hiện nhiều, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, hành vi, sức khỏe người dùng; thậm chí là nguồn cơn của nhiều hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian qua.
Nhan nhản hội nhóm “đen”
Đối tượng Trần Quang Triệu cướp tiệm vàng sau khi tham gia hội nhóm độc hại. Ảnh: Cơ quan CA cung cấp
Chỉ riêng trên Facebook, thời gian qua đã xuất hiện vô số hội nhóm tiêu cực, bạo lực với số lượng thành viên mỗi hội nhóm lên tới con số hàng chục đến hàng trăm nghìn. Điển hình như nhóm “Xã Hội Đen - Đâm Thuê Chém Mướn - Theo Dõi” với hơn 27.000 thành viên, “Tìm Người Đòi Nợ Thuê - Đánh Thuê” với 33.000 thành viên, “Chuyên Tư Vấn Bùng Nợ - Xóa Nợ Xấu” với 49.000 thành viên… Số lượng tài khoản tham gia 3 hội nhóm trên là rất lớn như đã nêu, nhưng cộng lại vẫn chưa bằng con số 121 nghìn thành viên của nhóm “Đòi Nợ Thuê”.
Không thể kể hết tên các hội nhóm độc hại, phản cảm. Điều tai hại là các hội nhóm tiêu cực, phản cảm đã nhiều mà việc tham gia lại vô cùng đơn giản, đôi khi chỉ cần một lần chạm trên điện thoại.
Đặc điểm chung của các hội nhóm này là tính bạo lực, tiêu cực, đồi trụy thể hiện ngay từ cái tên cho đến các nội dung chia sẻ, đăng tải, bình luận của các thành viên. Những người trong một nhóm thường có tâm lý hành vi, tính cách, nhận thức, hoàn cảnh giống nhau. Các thành viên đa phần không quen biết nhau ngoài đời, lại có thể sử dụng tài khoản ảo, vì thế không ngần ngại chia sẻ quan điểm tiêu cực, sai trái với những ngôn từ tục tĩu, mang tính kích động, cổ xúy cho những hành vi lệch lạc, đi ngược đạo đức xã hội, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Phạm tội sau khi vào hội “làm liều”
Việc tồn tại của những hội nhóm độc hại thời gian qua ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT và an toàn xã hội, là tác nhân dẫn đến các vụ án hình sự. Sau những vụ trộm, cướp, cướp giật tài sản liên quan đến các ngân hàng và tiệm vàng xảy ra gần đây, dễ nhận thấy những đối tượng phạm tội có tổ chức, với kế hoạch được bàn bạc từ trước qua các hội nhóm “đen” trên mạng xã hội trong khi không hề quen biết nhau ngoài đời.
Điển hình là trường hợp Trần Quang Triệu (SN 1993, ở phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn) - 1 trong 4 nghi can tham gia cướp tiệm vàng Bích Quý (ở thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) ngày 3.3. Triệu khai nhận bản thân và các đồng phạm không hề quen biết từ trước, chỉ tương tác với nhau sau khi tham gia một nhóm có tên “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên Facebook. Khi một thành viên đưa ra “ý tưởng” đi cướp để có tiền tiêu xài, các đối tượng còn lại đồng ý.
Các đối tượng lập thêm nhóm nhỏ, xưng hô với nhau theo số thứ tự và bàn bạc kế hoạch trộm cướp tài sản. Sau khi bắt cặp theo số, sáng 3.3, 4 người hẹn nhau ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), đi trên 2 xe máy đến Bình Dương. Trưa cùng ngày, 4 đối tượng mặc áo khoác và đeo khẩu trang chở nhau bằng hai xe máy đến tiệm vàng Bích Quý, dùng vật giống súng đe dọa chủ tiệm, đập tủ kính cướp số vàng trị giá khoảng 1 tỷ đồng rồi phóng xe chạy trốn. Đến ngày 6.3, sau khi nghe tin đồng phạm đã bị bắt giữ, Triệu ra đầu thú.
Hội nhóm "đen" cổ xúy hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật. Ảnh chụp màn hình
Kể về con trai với đôi mắt đầy buồn lo, ông T.Q.B. (một CCB gương mẫu ở phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn) cho biết, lúc mới hay tin Triệu phạm tội, gia đình rất hoang mang, mẹ Triệu mất ăn mất ngủ nhiều ngày. Ông B. kể, Triệu học hết lớp 12 thì tham gia nghĩa vụ quân sự, sau đó học lái ô tô và chạy xe dịch vụ ở địa phương. Triệu có thời gian tham gia công tác Đoàn và các phong trào rất sôi nổi khi còn ở địa phương.
“Chuyện tham gia hội nhóm này kia gia đình không biết được, chỉ biết trước đây con từng có nợ nần bên ngoài. Đầu năm 2023, Triệu cưới vợ rồi vợ chồng dắt nhau vào TP Hồ Chí Minh làm ăn. Nếu không tham gia các hội nhóm xấu, không bị lôi kéo thì Triệu không dám phạm tội”, ông B. nói trong đau đớn.
Với những hậu quả hiện rõ trước mắt trong khi việc ngăn chặn, xóa bỏ các hội nhóm độc hại còn nhiều khó khăn, người dân (đặc biệt là giới trẻ) cần cảnh giác, nói không với các hội nhóm này trên mạng xã hội. Các bậc cha mẹ cần quan tâm giáo dục con cái dùng mạng xã hội theo hướng tích cực, đúng mục đích để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc.
NGUYỄN CHƠN