Nâng cao nhận thức, hiểu đúng về chính sách BHXH, BHYT
Nhằm nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về chính sách BHXH, BHYT, sáng 3.4, BHXH tỉnh phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổ chức giao lưu trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh với chủ đề “Rút BHXH một lần - Lợi bất cập hại”.
Nhiều thắc mắc về chính sách
Buổi giao lưu trực tuyến đã tiếp nhận và trả lời 52 câu hỏi từ người lao động và chủ sử dụng lao động, các đơn vị, tổ chức. Mỗi một câu hỏi đều gắn với một tình huống cụ thể, liên quan mật thiết đến quyền lợi của mỗi cá nhân, gia đình.
Trong đó, nhóm vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm, thắc mắc nhất là các quy định xung quanh việc rút BHXH một lần; việc tham gia BHXH tự nguyện; chế độ thai sản; chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); thủ tục xin cấp lại sổ BHXH; cách tính lương BHXH khi rút BHXH 1 lần; trách nhiệm xác nhận thời gian đóng BHXH của DN khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động…
Nổi bật là thắc mắc xung quanh về việc từng được cấp BHYT hộ nghèo, nhưng sau khi đi làm, thẻ BHYT được đổi sang BHYT do DN đóng, liệu có thể đổi lại thẻ BHYT hộ nghèo được không. Ông Huỳnh Đức Hùng, Trưởng Phòng Quản lý Thu - Sổ, Thẻ, cho biết: Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13, “một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”; “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.
Như vậy, trường hợp thắc mắc nêu trên thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT do người lao động và người sử dụng lao động đóng và được hưởng mã quyền lợi của đối tượng hộ gia đình nghèo.
Một tài khoản có tên Trương Thị Hồng gửi câu hỏi: “Tôi vừa hưởng BHTN vừa đóng BHXH tự nguyện có được hay không, thủ tục như thế nào?”. Đại diện BHXH thông tin: Theo quy định hiện hành, trong thời gian hưởng BHTN thì có thể đóng BHXH tự nguyện. Về hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, cần có khai tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH theo mẫu TK1-TS và nộp cho tổ chức dịch vụ thu hoặc cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú.
Chị Cao Thị Ngân, chủ một cơ sở buôn bán đặc sản có 7 lao động thường xuyên, đặt vấn đề: “Tôi có phải đóng BHYT bắt buộc cho các lao động thường xuyên tại cơ sở của mình không?”. Đại diện BHXH tỉnh trả lời: Căn cứ các quy định hiện hành, cơ sở của bà có ký kết hợp đồng lao động với người lao động làm việc thường xuyên sẽ thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
BHXH tỉnh phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổ chức giao lưu trực tuyến “Rút BHXH một lần - Lợi bất cập hại”. Ảnh: N.M
Chưa hiểu đúng, đủ về chính sách
Buổi giao lưu trực tuyến có khá nhiều câu hỏi quan tâm đến việc rút BHXH một lần.
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: “BHXH đi tuyên truyền tham gia BHXH tự nguyện nói là của Nhà nước, tham gia không vì mục tiêu lợi nhuận mà sao khi đối tượng tham gia khó khăn không tiếp tục tham gia nữa, rút BHXH 1 lần thì không nhận lại bằng số tiền đã đóng mà bị mất quá nhiều tiền? Tôi tham gia mức 2 triệu đồng từ tháng 1.2021 - 3.2023 với tổng số tiền đóng hơn 11,2 triệu đồng. Tháng 4.2024, tôi rút BHXH 1 lần thì nhận lại có hơn 9,7 triệu đồng. Em trai tôi đóng mức 3 triệu đồng từ tháng 1.2021 - 3.2023 với số tiền đóng hơn 17,1 triệu đồng. Tháng 4.2024, em tôi rút BHXH 1 lần nhận lại chưa tới 15 triệu đồng”.
Trưởng Phòng Chế độ BHXH Nguyễn An Toán giải thích: Chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng là chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Đây là chính sách nhân văn giúp người dân có thu nhập (lương hưu) để đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động. Quyền lợi lớn nhất của người tham gia BHXH tự nguyện là khi hết tuổi lao động người tham gia BHXH được hưởng các chế độ như: Lương hưu, thẻ BHYT cả đời và khi chẳng may qua đời thì nhận trợ cấp mai táng phí và tử tuất...
“Chính vì vậy, ngoài tiền người dân tự đóng, Nhà nước còn có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng để người dân có mức hưởng cao hơn khi về hưu. Vấn đề rút BHXH 1 lần để được lãi (hoặc đủ mức đóng) là điều không khuyến khích nên được quy định tại Khoản 2 Điều 77 Luật BHXH năm 2014: Người tham gia trước 2014 khi rút BHXH 1 lần được nhận 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đã đóng BHXH, từ sau năm 2014 trở đi là 2 tháng”, ông Toán khẳng định.
Nhiều người lao động cũng quan tâm đến việc rút BHXH 1 lần từ năm 2025. BHXH tỉnh thông tin đến người lao động về 2 phương án đang được đề xuất đối với việc hưởng BHXH 1 lần và khẳng định Quốc hội hiện chưa chốt phương án nào để thực hiện. Tuy nhiên, dù chọn phương án nào thì người tham gia BHXH vẫn được Luật BHXH sửa đổi, bổ sung (nếu được ban hành) đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động theo nguyên tắc “Đóng - hưởng”.
NGUYỄN MUỘI