Năm 2024, các trường sư phạm khẩn trương mở ngành đào tạo giáo viên dạy tích hợp
Để đáp ứng nhu cầu dạy và học của chương trình GDPT 2018, các trường sư phạm đang mở thêm ngành mới, đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp Lịch sử - Địa lý và Khoa học Tự nhiên.
TS Nguyễn Duy Nhiên, Trưởng khoa Triết học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, năm 2024, Trường sử dụng 5 phương thức xét tuyển bao gồm xét dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực và thi năng khiếu, xét học bạ THPT, kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Thí sinh nghe tư vấn tuyển sinh về các ngành nghề
Một trong những điểm mới nhất của mùa tuyển sinh 2024 là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ tuyển sinh 2 ngành mới gồm Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên. Tổng chỉ tiêu cho cả 2 ngành này khoảng 100 em.
“Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Trường ĐH Sư phạm Hà Nội không mở 2 ngành này sớm hơn. Nhưng với trách nhiệm và sự thận trọng, cần chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu cũng như thực tiễn, nhà trường mới đề xuất với Bộ GD&ĐT xin mở ngành.
Thực tế 1 giáo viên có thể dạy tốt môn Hóa hoặc môn Sinh hay Vật lý, nhưng khi sáp nhập, theo đúng bản chất tích hợp, thì 1 bài học cần chứa cả kiến thức 3 môn học trên, với Lịch sử và Địa lý cũng vậy. Tích hợp không phải sự cộng lại các môn học một cách cơ học. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với vai trò là “máy cái” trong đào tạo giáo viên cần phải tạo ra đội ngũ giáo viên thể hiện đúng bản chất của việc dạy và học tích hợp”, TS Nguyễn Duy Nhiên cho biết.
Còn tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, Trưởng phòng Đào tạo thông tin, năm 2023, nhà trường đã mở ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý, năm 2024 tiếp tục tuyển sinh ngành này và bắt đầu tuyển thêm ngành sư phạm Khoa học Tự nhiên.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, dù đội ngũ giảng viên đào tạo ngành Khoa học tự nhiên nằm ở 3 khoa khác nhau gồm Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh, song tất cả giảng viên đều đã sẵn sàng cho việc dạy học tích hợp.
Trước khi mở ngành, đội ngũ giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng thường xuyên tham gia bồi dưỡng dạy học tích hợp cho giáo viên các địa phương trên cả nước.
Cũng theo Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, trong chương trình đào tạo tích hợp, sinh viên cũng sẽ được học cách khai thác, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc thiết kế bài giảng cũng như sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình dạy học.
Để đảm bảo công tác đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 hiện đang làm việc với một số trường đại học danh tiếng và chuyên gia nước ngoài, bắt tay vào xây dựng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đối với 2 ngành tích hợp.
Tương tự, năm 2024, Trường ĐH Sư phạm Vinh cũng mở thêm 2 ngành mới là Sư phạm Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên. Đại diện nhà trường cho biết, trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Khoa học tự nhiên trong chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra yêu cầu cần được bồi dưỡng về phương pháp dạy học tích hợp, dạy học phân hóa; kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; bồi dưỡng kiến thức vật lý, hóa học, sinh học để vừa nắm vững các nguyên lý khoa học tự nhiên, các nguyên lý ứng dụng công nghệ, vừa hiểu sâu các khái niệm, quy luật tự nhiên. Đối với môn Lịch sử - Địa lý, đây là môn học tích hợp giữa 2 môn Lịch sử - Địa lý.
Việc mở thêm mã ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý tạo ra cơ hội mới cho các bạn sinh viên có thêm nhiều lựa chọn khi theo đuổi khối ngành Sư phạm. Ở hai ngành học mới này, sinh viên có thể học tích hợp nhiều môn học, học tập nâng cao trình độ lên thạc sĩ các ngành liên quan với tư cách ngành phù hợp mà không cần bổ túc kiến thức. Sinh viên cũng có thể học ngành 2 các ngành trong tổ hợp liên quan với tỷ lệ môn học thay thế lên tới trên 35%.
Đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng của các Trường Sư phạm trong việc đào tạo, bổ sung nguồn giáo viên dạy tích hợp cho Chương trình GDPT mới, tuy nhiên PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu Trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, các trường cần không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, ngay cả khi đã làm tốt cần làm tốt hơn nữa.
Bên cạnh đó, các trường cũng cần lưu ý đến cơ hội việc làm của sinh viên sau khi ra trưởng, bởi hiện nay nhiều trường THCS đã đủ biên chế dạy các môn đơn như Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Do đó việc tăng biên chế giáo viên dạy các môn tích hợp ở các trường THPT cũng cần tính toán kỹ trong thời gian tới.
Theo Nguyễn Trang (VOV.VN)