Bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu về việc làm, giáo dục nghề nghiệp
Năm 2024, lần đầu tiên, Sở LÐ-TB&XH và các phòng LÐ-TB&XH, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm ký kết giao ước thi đua về việc làm, giáo dục nghề nghiệp; thể hiện sự nỗ lực đổi mới, tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết HÐND tỉnh về nhiệm vụ phát KT-XH liên quan đến ngành.
Cụ thể các chỉ tiêu
Với phương châm “Làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, các phòng LĐ-TB&XH huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định đã cam kết giao ước thi đua quyết tâm phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đỗ Thị Diệu Hạnh cho hay: Trên cơ sở chỉ tiêu đã ký kết giao ước thi đua, các phòng LĐ-TB&XH, các đơn vị hoạt động GDNN, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định triển khai cụ thể các chỉ tiêu để đảm bảo đạt và vượt kế hoạch cho 4 chỉ tiêu lớn. Cụ thể là giải quyết việc làm cho 32.500 lao động (trong đó đưa khoảng 800 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng); tỷ lệ tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH vào cuối năm 2024 đạt 19,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 64%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm (tối thiểu 700 người được hỗ trợ kết nối việc làm thành công).
Các đơn vị GDNN công lập trên địa bàn tỉnh phấn đấu trên 90% lao động sau khi học nghề do cơ sở đào tạo được kết nối việc làm thành công; cụ thể hóa các chỉ tiêu tuyển sinh, tốt nghiệp, tư vấn hướng nghiệp, phân luồng, đào tạo nghề gắn kết với DN…
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định phấn đấu tăng tỷ lệ kết nối việc làm thành công đạt trên 10%/lượt người được tư vấn. Mục tiêu đến năm 2025, Trung tâm cung ứng ít nhất 200 lao động cho các đơn vị có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 29 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Trung tâm GDNN Bình Định cần nâng cao hiệu quả kết nối việc làm thành công chiếm tỷ lệ 3 - 5% (tương ứng 350 - 580 lao động) trên tổng số lao động được tư vấn việc làm, học nghề; trong đó số lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số được kết nối việc làm thành công chiếm tỷ lệ 20% (tương ứng 70 - 120 lao động).
Phiên giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định kết nối DN và người lao động thất nghiệp sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: N.M
Đồng bộ nhiều giải pháp
Với mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025, với huyện An Lão, giải quyết việc làm và đào tạo nghề là những giải pháp trọng tâm. Bà Lê Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão, cho biết: “Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo nguyên nhân của huyện An Lão cho thấy có hơn 3.000 hộ nghèo do thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng. Nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho người lao động, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo rất quan trọng”.
Để đạt được mục tiêu giải quyết việc làm cho 500 lao động (trong đó có 399 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo), đào tạo nghề, bồi dưỡng, tập huấn nghề cho hơn 3.400 lao động (trong đó có đào tạo nghề cho 400 lao động nông thôn, 300 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo), Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão đã xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết với mục tiêu từng quý.
Một trong những điểm thuận lợi cho mục tiêu này trong năm 2024 là nguồn kinh phí phục vụ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề của An Lão khoảng 3,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, người lao động, các hộ tham gia các dự án mô hình sinh kế, các dự án chuỗi, liên kết chuỗi giá trị đang triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện sẽ là “địa chỉ” cho công tác tuyển sinh đào tạo nghề.
Ông Nguyễn Văn Quí, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước thông tin: “Đến thời điểm hiện tại, huyện Tuy Phước đã giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động, đạt khoảng 50% kế hoạch năm. Phòng tiếp tục phối hợp với các ngành, các cơ sở đào tạo nghề, các địa phương triển khai công tác tuyển sinh lao động học nghề; tăng cường thông tin về việc làm, hoạt động tuyển dụng của DN trên các kênh mạng xã hội của Phòng, của Huyện đoàn”.
Bên cạnh nguồn vốn phân bổ của tỉnh, UBND huyện Tuy Phước tiếp tục bố trí ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH để triển khai cho vay giải quyết việc làm. Trên cơ sở thực trạng hộ nghèo, các địa phương tích cực xây dựng các dự án giảm nghèo, triển khai phê duyệt và đưa vào thực tiễn trong quý II/2024. Huyện đang mở rộng các cụm công nghiệp để góp phần thu hút nhà đầu tư, tăng cường giải quyết việc làm…
Ở khối cơ sở đào tạo nghề, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương làm tốt công tác tuyển sinh, phân luồng, hướng tới mục tiêu có 2.000 học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp, sơ cấp; 1.125 học sinh tốt nghiệp THPT vào học hệ cao đẳng...
NGUYỄN MUỘI