Khắc phục bất cập về chính sách để đảm bảo trật tự ATGT
Từ ngày 3 - 5.4, Ðoàn giám sát của ÐBQH tỉnh đã thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT từ năm 2009 - 2023” trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hệ thống lại những tồn tại, bất cập trong thực hiện các chính sách, pháp luật để kiến nghị cụ thể với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Nhiều bất cập
Tại các buổi làm việc với Đoàn giám sát, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.
Theo thượng tá Nguyễn Hồng Vang, Phó trưởng Phòng CSGT (CA tỉnh), hiện nay công tác đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn và chứng chỉ chuyên môn trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; chưa có trường, trung tâm đào tạo mà chỉ có Trung tâm Nghiệp vụ GTVT được Sở GTVT giao liên kết với trường ở TP Hồ Chí Minh tổ chức đào tạo cấp chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng 3 và chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy. Nếu muốn được nâng bằng và học thêm các chứng chỉ chuyên môn môn khác, người dân phải vào TP Hồ Chí Minh, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hoặc ra TP Đà Nẵng để học, gây nhiều khó khăn.
Các đại biểu cũng cho rằng việc xử lý tài sản đối với các phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT còn bất cập. Ông Lê Kim Chinh, Phó trưởng Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính (Sở Tư pháp) phân tích, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý tài sản công cũng như Luật Đấu giá tài sản, từ thời điểm quản lý đến khi xử lý xong 1 tài sản tịch thu phải mất khoảng 18 tháng.
“Cụ thể, sau 1 năm tài sản bị tịch thu mới được đưa ra xác lập quyền sở hữu tài sản của nhà nước, rồi lập phương án, thành lập hội đồng xử lý, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt sau đó mới đưa ra bán đấu giá tài sản. Theo tôi, cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính và quy trình xử lý tài sản, nhất là trên lĩnh vực ATGT”, ông Chinh nói.
Trong khi đó, đại diện UBND huyện Tây Sơn cũng cho rằng đa số phương tiện vi phạm hành chính về trật tự ATGT bị tịch thu, bán đấu giá sung công quỹ nhà nước là xe máy đã cũ nát, giá trị thấp. Để đảm bảo xử lý số phương tiện này nhanh chóng, thuận lợi, tránh tồn đọng gây thất thoát, lãng phí, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, cần giao thẩm quyền cho UBND cấp huyện thực hiện các quy trình, thủ tục, quyết định bán đấu giá tài sản.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho quá trình đầu tư, nâng cấp hạ tầng đảm bảo trật tự ATGT, nhất là đầu tư hệ thống camera giám sát, khắc phục các bất cập, tiềm ẩn về hạ tầng giao thông… cần quy định tỷ lệ phân bổ ngân sách Trung ương cho địa phương hằng năm tối thiểu 50% tổng số tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT ở địa phương.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn giám sát với UBND tỉnh vào sáng 5.4. Ảnh: K.A
Khắc phục để đảm bảo hiệu quả
Bình Định là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là trung tâm của trục Bắc - Nam có mạng lưới giao thông đa dạng với đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không. Với vị trí đặc biệt này, việc hoàn thiện và được quan tâm đầu tư về hạ tầng, chính sách về bảo đảm trật tự ATGT kịp thời, phù hợp sẽ là tiền đề để Bình Định tiếp tục phát huy thế mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho rằng tỉnh luôn ưu tiên kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn 2021 - 2025, kinh phí dành cho giao thông chiếm gần 50% kinh phí đầu tư. Hiện có 10 công trình giao thông trọng điểm đang đầu tư, bao gồm đường ven biển, các đường tránh, đường kết nối và đường huyện. Tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên kinh phí xử lý các điểm đen, lắp đặt hệ thống camera, đèn chiếu sáng trên các tuyến đường…
Theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh - Trưởng Đoàn giám sát, tinh thần, trách nhiệm cao và sự cố gắng nỗ lực của các ngành, đơn vị và địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường hàng hải, đường sắt và hàng không đã góp phần bảo đảm an toàn lưu thông hàng hóa phục vụ phát triển KT-XH của địa phương.
“Qua làm việc trực tiếp với các ngành, đơn vị và địa phương, Đoàn đã thấy được từng vấn đề cụ thể. Đây sẽ là cơ sở để Đoàn tổng hợp, trình Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết đầy đủ và phù hợp thực tế tại địa phương”, bà Hạnh kết luận.
KIỀU ANH