Xóa bỏ lò mổ gia súc nhỏ lẻ trong khu dân cư: Khó nhưng không phải là không thể
Thực hiện Quyết định số 1411/QÐ-UBND ngày 27.4.2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án di dời các cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư thuộc 5 xã phía Bắc huyện Tuy Phước vào nhà máy giết mổ động vật tập trung tại xã Nhơn An (TX An Nhơn), đến nay đã có 38/53 hộ ký cam kết chấp hành di dời, còn lại 15 hộ không ký cam kết.
Bà N.T.H. (ở xóm 8, thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn) cho biết: Tại địa phương hiện có 3 hộ giết mổ heo tại nhà. Các hộ này không đảm bảo điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, không quan tâm đến nguồn gốc của gia súc, không có hệ thống thu gom và xử lý chất thải trong quá trình giết mổ.
“Xung quanh khu vực giết mổ nào là máu, nội tạng, phân hòa cùng nước thải lênh láng dưới nền nhà rồi chảy ra đường gây ô nhiễm, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Người dân mong cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiên quyết di dời các cơ sở giết mổ này ra khỏi khu dân cư, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường”, bà H. đề nghị.
Thịt heo không có dấu kiểm soát của cơ quan chức năng bày bán tại chợ Phước Sơn. Ảnh: V.L
Theo bà N.T.B.P. (làm nghề giết mổ heo tại nhà ở xóm 8, thôn Xuân Phương), do số lượng heo giết mổ của gia đình quá ít, mỗi ngày chỉ 1 con mà đưa lên nhà máy giết mổ động vật tập trung tại xã Nhơn An là quá xa. Hơn nữa, nhà máy làm heo không sạch lông, thịt chín nên đem về làm chả, nem không đảm bảo, khách hàng chê nên bà chưa cam kết theo quy định.
Còn bà T.T.B.T. (làm nghề giết mổ heo tại nhà ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa) phân trần: Mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động, nhưng đây là nghề của gia đình từ xưa đến nay, nếu đưa vào nhà máy vừa phải mất thêm chi phí, vừa mất công ăn việc làm của nhiều người trong gia đình. “Mặt khác, đường xa quá nên cũng ngại, chứ không phải tôi chống đối gì”, bà T. nói.
Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, tại các chợ Phước Sơn, Phước Hòa có khá nhiều gian hàng thịt heo được bày bán không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan chuyên môn. Khi được hỏi về nguồn gốc, xuất xứ, các chủ hàng đều giải thích là mua heo sống tại nhà dân về giết mổ, rồi đem ra chợ bán. Tất cả đều khẳng định nguồn thịt tươi, đảm bảo chất lượng.
Theo ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, các hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ đã quen với cách làm từ xưa đến nay là mua heo về dự trữ trong chuồng, mỗi sáng sớm dậy nấu nồi nước sôi và tiến hành mổ tại nhà, sau đó chở đi bán. Tuy nhiên, với cách làm này, nước thải trong hoạt động giết mổ đã gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư khiến người dân bức xúc. Đáng quan ngại nhất, nếu lò mổ những con heo đã nhiễm bệnh thì tốc độ lây lan trong cộng đồng càng tăng nhanh. Do đó, việc xóa những điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư là rất cần thiết. Hiện trên địa bàn xã có 14 hộ giết mổ heo nhỏ lẻ, trong đó chỉ có 3 hộ ký cam kết di dời vào nhà máy giết mổ tập trung, còn lại 11 hộ phản ứng.
“Xã cũng đã thành lập tổ công tác tổ chức tuyên truyền, vận động nhưng nhiều hộ vẫn không chấp hành. Hằng tuần, tổ công tác của xã phối hợp với lực lượng chức năng của huyện vào chợ kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện thịt heo không có dấu kiểm soát sẽ xử lý theo quy định”, ông Vương nói.
Còn ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, thông tin: Trên địa bàn xã có 8 hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ, trong đó có 4 hộ không chịu đưa heo vào nhà máy giết mổ tập trung. Để thay đổi cách làm quen thuộc của các hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ là điều không dễ.
“Thế nhưng, khó mấy cũng phải làm. Xác định công tác tuyên truyền là mấu chốt để đả thông tư tưởng cho họ, trước khi thực hiện phương án di dời, chúng tôi tập trung cho công tác này. Đồng thời, triển khai kiểm tra, giám sát gắt gao hoạt động mua bán thịt heo tại các chợ trên địa bàn, nếu phát hiện vi phạm là xử lý nghiêm, không bao che”, ông Hải kiên quyết.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết đã chỉ đạo tổ công tác liên ngành của huyện, xã tiếp tục vận động 15 hộ tại 2 xã Phước Sơn và Phước Hòa nếu thấy không đủ điều kiện thì chuyển đổi nghề, lấy thịt đã qua giết mổ tập trung ở các chợ đầu mối về bán lẻ. Kiên quyết xử lý vi phạm, không để giết mổ heo nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.
VĂN LƯU