Lặng lẽ ươm hạt giống tâm hồn
Em Phạm Gia Bảo (SN 2006, ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) là một tấm gương về nghị lực vượt qua số phận. Dù không còn thấy ánh sáng cuộc đời, cô bé vẫn bộc lộ năng khiếu viết văn. Năm 2023, em đã xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi viết “Ươm hạt giống tâm hồn” do Hội Người mù Việt Nam tổ chức.
Năm 2006, Gia Bảo ra đời trong niềm vui hân hoan của gia đình. Thế nhưng, không lâu sau đó đôi mắt em đã dần tắt đi ánh sáng. Sức khỏe yếu ớt, đôi mắt mù lòa, Bảo không được đi học như bao đứa trẻ khác. Thời điểm ấy, Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn vẫn chưa thành lập, trẻ em mù phải vào tận TP Hồ Chí Minh để học. Bảo đã thuyết phục ba mẹ để được vào TP Hồ Chí Minh thực hiện khát vọng được học tập và hòa nhập với cộng đồng.
Hiện tại, Gia Bảo đang theo học tại Trường THPT Sương Nguyệt Anh và sống tại Mái ấm Bừng Sáng (TP Hồ Chí Minh). Với nỗ lực học tập, nhiều năm liền, em đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Ngoài giờ học trên lớp, Bảo còn tham gia các lớp năng khiếu như đàn, vẽ.
Đặc biệt, với tình yêu và năng khiếu văn chương, Bảo còn sáng tác truyện ngắn, thơ, tản văn và được đăng trên nhiều tạp chí. Các tác phẩm của em xoay quanh câu chuyện của những đứa trẻ sống trong bóng tối, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương với câu từ giản dị nhưng ý tứ rất sâu sắc. Có thể kể đến các tác phẩm như “Đi qua bóng tối”, “Lời mẹ dạy” (được đăng trên tạp chí Văn chương phương Nam)…
Gia Bảo (thứ 2 từ trái sang) và bạn bè cùng cảnh ngộ. Ảnh: NVCC
Và thành tích cao nhất mà Bảo đạt được là giải nhất cuộc thi viết “Ươm hạt giống tâm hồn” do Hội Người mù Việt Nam tổ chức với chủ đề viết về một tấm gương người mù mà các em ấn tượng nhất. Bài viết của Gia Bảo đã lay động trái tim của rất nhiều người. Trong bài viết, Bảo bày tỏ sự ngưỡng mộ trước nghị lực của vợ chồng bà Đinh Vị Anh (Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam) trên con đường chinh phục tấm bằng thạc sĩ xuất sắc ở Học viện Hành chính Quốc gia. Với câu từ súc tích, Bảo đã truyền tải thông điệp tích cực về tinh thần ham học hỏi, nghị lực vượt qua khó khăn, đối mặt với những thách thức của vợ chồng bà Đinh Vị Anh. Cũng thông qua bài viết, Bảo đã thể hiện ước mơ được chinh phục những tầm cao của tri thức cũng như đề cao vai trò và khả năng của người khiếm thị.
“Điều mà em thấy xúc động nhất là vợ chồng cô Anh đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, có lúc phải đi bán máu để trang trải học phí. Bản thân em vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác, vì có gia đình chăm lo, che chở. Dù rất nhớ nhà, em vẫn cố gắng không ngừng để mọi người không thất vọng về mình”, Bảo tâm sự.
Mỗi ngày, Bảo vẫn dành ra một khoảng thời gian để sáng tác và nhờ cô giáo gửi đến các tạp chí. Mong ước lớn nhất của em là sau này có thể trở thành một cô giáo ươm “hạt giống tâm hồn” cho trẻ khiếm thị.
“Điều mà em thấy đúng đắn nhất là thuyết phục ba mẹ cho đi học ở xa. Ở đây, em như tìm thấy ánh sáng của đời mình. Em cố gắng học để góp phần thay đổi suy nghĩ của cộng đồng về người khiếm thị. Từ trong bóng tối, người khiếm thị vẫn có thể chinh phục những nấc thang tri thức, vẫn có thể đóng góp cho xã hội”.
XUÂN QUỲNH