Những dáng hình của mẹ
Tạp bút của TRẦN BĂNG KHUÊ
Tôi không định sẽ chơi trò đuổi hình bắt bóng, hòng tìm kiếm và thêu dệt lại những ký ức xưa cũ xa xôi nào đó. Tôi không định bày trò cùng với cánh cửa thời gian. Có ai biết những dáng hình của thời gian lại ở ngay trước mắt chúng ta mỗi ngày, mỗi phút giây? Chúng lấp lánh như những ngôi sao, hay ánh trắng trên bầu trời của đêm rằm tháng Giêng? Hoặc có khi chúng lung linh hệt một thứ sắc màu tinh khôi của tuổi thơ bay trong những giấc mơ con trẻ? Lúc này, đang lang thang ở một miền quê khác, ở một nơi không phải núi không phải rừng, sườn đồi với màu hoa dã quỳ vàng rợm cả mắt, vàng cả những nỗi nhớ và tôi thấy thời gian trôi lờ lững như những dòng sông.
Tôi ngước nhìn về phía một chiếc thuyền nằm yên. Sau đó, tiếp tục hình dung những cuộc phiêu lưu của mình bằng trí tưởng tượng mờ mờ ảo ảo, nhưng thật đến vô chừng, về những vùng đất, những miền quê tôi có dịp đi qua, có dịp dừng chân trải nghiệm. Tôi biết, trong ký ức mình có cả những buổi chiều chưa nhạt nắng ở xứ ấy. Nơi tôi đã nhìn thấy đám trẻ chăn trâu mắt lúng liếng cười toe trên những sườn đồi xanh mượt cỏ bờ đê. Nơi tôi đã nhìn thấy những ngày xưa đi về của tuổi thơ biết bao nhiêu thế hệ.
Có lần, trong những khoảnh khắc rảnh rỗi hiếm hoi, tôi quan sát vội, khi nhìn thấy điều chi đó bâng khuâng trong mắt người đàn ông sắp chạm mốc bốn mươi. Ánh mắt ấy ngẩn ngơ như ánh mắt của đứa trẻ mới lớn vậy. Phải chăng, anh đang tìm kiếm ngày xưa của mình, hình ảnh của cậu bé đáy quần không lành lặn vẫn tung tăng hồn nhiên lặn lội với đám dế đồng khi trưa hè nóng bỏng? Phải chăng giữa những màu xanh thăm thẳm của đất trời, anh vẫn muốn lắng nghe tiếng sáo diều vi vút bay cao - gửi hoài những ước mơ màu huyền thoại? Và phải chăng, trong bữa cơm hôm nay anh chợt nhận ra có tô canh bí đỏ tôi nấu, vương vất dư vị quen thuộc thuở xa xưa người mẹ xứ ấy thường nấu cho con, như anh thường kể như khoe với tôi.
Tranh của họa sĩ BÙI MẠNH
Khi nghĩ tới thời gian người ta ít nhớ tới mình mà hay nghĩ về mẹ cha, hình như ai cũng vậy…
Tôi lại thử tưởng tượng xem, ngoài bờ tre vi vút sau những mái nhà thơm mùi khói rạ bay cao, có còn không nỗi đơn độc quen thuộc khi người bạn đàn ông của mẹ rời bỏ cuộc chơi trần gian ở tuổi năm mươi chín. Tôi thử hình dung xem, mới tết vừa rồi sau gần mười năm tóc mẹ đã bạc phai màu thời gian đến nhường nào? Tôi tiếp tục chơi trò chơi đong đếm những ký ức của mình, để tìm kiếm thêm một hình dáng người đàn bà khác ở xứ hoa vàng.
Có những người mẹ không chung một quê, không chung màu hoa cuối năm, không chung những cơn gió, giọt mưa nhưng kỳ lạ thay họ chung một nỗi chờ mong mỗi độ tết - hè ngóng đợi cháu con. Họ cùng cầu mong, có chung một ánh mắt khắc khoải. Ở xứ này, giữa hai đầu của những nỗi nhớ, tôi biết rằng, nơi ấp ủ tháng ngày khôn lớn của những đứa con bé bỏng lại mang dáng hình của núi đồi, biển cả, sông ngòi và những bờ đê chạy dài xanh mượt cỏ. Tôi biết họ khác nhau rất nhiều nhưng cũng chung nhau rất nhiều bởi vì họ là mẹ. Vậy thôi.
Tôi ngờ rằng, hẳn là mình đang thèm cảm giác thả trôi đi giữa một mảng màu vàng long lanh sắc nắng, hoặc bạt ngàn, trắng xóa mờ mịt như ngàn cánh sóng ngoài biển xa. Tôi trong thời gian êm đềm và kịp thấy một màu thôi trên mái tóc sờn màu của những người mẹ. Màu thời gian.
Một sớm mai, khi mặt trời tung tăng lên đỉnh núi. Tôi đi qua những cung đường không phải là xứ núi rừng hay xứ hoa cải vàng trên những cánh đồng. Tôi bước trên những vỉa hè vừa quen vừa lạ, tôi nép mình vào đám lá khô vừa rơi rớt xuống bên vệ đường. Thời gian đang tiếp nối, gần hết mùa xuân, chưa qua tháng hai đã nghe tiếng ve ríu rít báo hiệu mùa hạ đang chạm ngõ. Nơi này, mờ mịt chân trời góc bể, nơi này xa ngái những ký ức. Và nơi này, có lần tôi nghe thấy người đàn ông chạm mốc bốn mươi tuổi, buổi trưa nằm gác tay lên trán chép miệng nói, “sao lại thèm tô canh bí đỏ quá chừng?”.
Hóa ra có đi đến chân trời góc bể, chỉ một món ăn thân thuộc từ tay mẹ hiền nấu cũng trở thành ký ức đẹp dung dưỡng tinh thần của anh và tôi, nuôi dưỡng hồn cốt mỗi con người trong thế giới hiện đại vồn vã này.