Bà nội
Truyện ngắn của LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
Bà Đa cúi người bước qua bậu cửa nom như không để đụng phải cái cửa vốn đã thấp lè tè. Tuy nhiên, cái bóng dáng thấp người với việc thời gian làm cho tuổi già ập đến tự khi nào khiến lưng bà đau, không đi thẳng người được. Mà dẫu bà có đứng thẳng người cũng không thể đụng phải bậu cửa, có chăng chỉ là bà không muốn thừa nhận mình đã già rồi, yếu rồi để thằng con trai vẫn đang dõi theo từng bước chân của bà, hai tay đưa hờ ra để nếu bà chực ngã thì còn kịp đỡ.
Đợi đến khi bà ngồi xuống tấm phản ở gian bên trái nhà, nhẹ nhàng rót miếng nước vối trong chiếc bình đất ra uống, con trai bà mới cất tiếng:
- Má ở một mình vợ chồng con thực không yên tâm.
Bà sẵng giọng: Tại sao không yên tâm. Tao nom thế chứ còn khỏe. Mày có bê được thúng thóc đầy như tao không? Vẽ chuyện. Sao về thăm tao mà không đưa vợ con về cùng? Nói vớ nói vẩn trong điện thoại chưa đủ ư. Mà sao tao lại cứ phải lên phố? Có mấy chục cây số, tao ở đây trông nom mồ mả ông bà, vườn tược, ao chuồng… đến cuối tuần mày đánh xe đưa vợ con về chơi chẳng phải hơn sao, già cái đầu rồi mà kém tính thế.
Thằng con bà đành im lặng cười cười.
***
Bà Đa từng có một đời chồng, kết hôn từ khi còn rất trẻ nhưng khi hai người chuẩn bị đón con đầu lòng thì bà bị sảy thai. Vợ chồng bà khi ấy dường như không đủ mạnh mẽ để chống lại được dị nghị của người đời và cả nỗi đau của bản thân nên chia tay nhau trong đau khổ. Mới hai mươi lăm tuổi bà trở thành phụ nữ nửa chừng xuân, xa phố về lại quê, muốn cuộc đời mình yên ổn và bình lặng. Bà gặp lại ông Keo, mối tình đầu, nhưng khi ấy ông đã có vợ con, những rung cảm thời xa xưa dĩ nhiên phải chôn chặt trong lòng.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Con trai ông Keo tên Mai, ngày Mai chớm lớn, bà Lạc - mẹ nó vì cám cảnh nghèo khó đã bỏ quê lên phố kiếm kế sinh nhai. Bà Lạc đi với nhiều lời hứa hẹn nhưng ông Keo biết bà sẽ không bao giờ quay lại, chỉ có thằng Mai vẫn luôn tin mẹ nó. Trẻ con thường dễ tin người lớn, con trai thường hay tin mẹ. Đến khi thấy mãi mà mẹ không về, còn ngờ vực cho rằng ông Keo đã làm gì có lỗi nên mẹ nó mới bỏ đi.
Cùng với nhà ông Keo, nhà bà Đa cũng thoi loi nơi cuối làng. Vì ba mẹ đã mất cả, lại không anh chị em, chỉ có mỗi ông Keo là láng giềng nên hai người cứ hay giúp đỡ lẫn nhau, cứ thế mà rồi sinh tình trở lại. Thì tình cũ mà, dần dà tuy không dọn về ở chung nhưng cứ có cảm giác như thuở mới yêu nhau. Người trong làng cũng chẳng dị nghị gì mối quan hệ ấy, bởi lẽ hầu như ai cũng biết, non rất nhiều năm về trước, hai người vốn là tình đầu của nhau, yêu thương nhau và cũng ước định. Nhưng rồi số phận thay đổi, vì gia đình vướng nợ, bà Đa lên phố lấy chồng, hai năm sau đó ông Keo cũng cưới bà Lạc... Ai cũng hiểu việc nên bây giờ khi không còn vướng bận gì, họ có quấn quýt bên nhau cũng không có gì làm lạ.
Thế nhưng, trong mắt Mai, bà Đa là người khiến mẹ mình bỏ đi, dù thực ra phải mãi mấy năm sau khi bà Lạc bỏ nhà không về thì bà Đa và ông Keo mới thực sự đến với nhau. Thói thường vẫn vậy, khi không thể giải thích được sự việc đúng với bản chất của nó thì người ta sẽ chọn giải pháp dễ nhất, mình thích nhất. Nên khi ông Keo nói chuyện với con trai về việc chuẩn bị đám cưới thì Mai đã vùng vằng: Nếu ba muốn cưới bà ấy thì ba từ mặt con đi, con có chết cũng không để người đàn bà nào khác bước chân vào nhà này trừ mẹ của con.
Hạnh phúc tưởng đến nhưng rồi lại lở dở, bà Đa cũng nhất quyết không bước chân vào nhà ông khi chưa được sự ủng hộ từ con ông. Thế nhưng do dự một lần đâu biết được sẽ mất nhau cả một đời, hai năm sau đó, khi bà Đa vừa bước qua tuổi ba hai, ông Keo trong một lần đi làm xa đã bị tai nạn không may qua đời. Cả trong đám tang ông Keo, bà Lạc cũng kiên quyết không về, dù được báo tin, Mai khi ấy vẫn còn nhỏ, mình bà Đa đứng ra lo tang sự cứ như phận vợ trong gia đình. Bà đội vành khăn trắng như để tang cho cả mối tình dang dở của mình và lần đầu tiên lúc ấy Mai hiểu được dường như mẹ mình và người phụ nữ đang mang khăn tang kia cách nhau rất xa, ở một đoạn tình nghĩa dành cho ông Keo.
Sau khi ông Keo mất, bà dọn về nhà ông ở đặng lo nhang khói cho ông và cũng là để lo cho Mai, như lúc sinh thời ông hay cậy nhờ bà. Chỉ tiếc là khi ấy ông nói cả hai người chung tay nuôi nấng Mai thành người còn giờ chỉ có bà. Mai không còn quá quắt như cái hôm ngăn cản ba nó cưới bà Đa, nó đủ khôn để hiểu tình thế lúc này đã khác, nhưng nó cũng chưa thể thân thiết với bà. Hiểu được dường như Mai vẫn ghét mình, bằng lời nói cứng rắn bà cũng nói rõ:
- Cứ xem tao như mẹ kế của mày, tao có trách nhiệm nuôi mày và đó là trách nhiệm của tao với lời hứa với ba mày. Tao không mượn mày phải thương lại tao. Khi nào mày tự lo được lấy thân thì thôi.
Bà vốn là một người phụ nữ mạnh mẽ, kể từ khi ông mất bà dường như đứng lên gánh gồng mọi thứ, làm đủ mọi việc. Căn nhà nhỏ vắng bóng người lúc đầu chỉ có những thanh âm khe khẽ của một mối quan hệ dường như là nghĩa vụ, dần dà cũng có tiếng cười vì muốn hay không cuộc sống buộc phải thế. Dẫu bà không là một người mẹ dịu dàng như người ta vẫn hay hình dung nhưng bà vẫn luôn quan tâm và lo lắng cho Mai từng chút. Bà cũng là một người phụ nữ hiểu chuyện, khi thấy Mai nhớ mẹ, tủi thân vì những mối quan hệ ruột thịt bà sắp xếp đưa Mai lên phố thăm mẹ.
- Mai mày nghỉ học đúng không, coi vào thu xếp ít bộ quần áo tao dắt lên phố chơi.
- Nhưng mà mai mình còn ra chợ, còn lấy rau ông Đen về cho kịp bán...
Nhưng bà Đa chỉ phẩy tay. Mai đột nhiên thấy rưng rưng nước mắt. Nó hiểu bà lo và thương cho nó đến độ gạt bỏ hết công việc thường ngày chỉ để đưa nó lên phố tìm mẹ, chứ nó đi một mình bà cũng không yên tâm. Một chặng đường xa, lên đúng địa chỉ mà ngày đó mẹ Mai viết vội, trong một căn nhà nom khang trang trên phố, bóng hình người mẹ của nó đang cười nói với một người đàn ông xa lạ, trên tay còn bế một đứa nhỏ, Mai chừng như hiểu ra mình không có chỗ ở đó. Mai lờ mờ hiểu cái gì đủ sức khiến mẹ nó rời xa nó, mấy năm trước không về thắp cho ba một nén nhang, thậm chí cũng không hề đoái hoài con mình khi mất cha sẽ sống như thế nào. Nó đưa tay kéo lấy tà áo bà Đa:
- Về thôi má ơi.
Đó cũng là lần đầu tiên nó gọi bà Đa là má. Hoàn toàn không có sự lựa chọn nào, tiếng má bật ra tự nhiên cho dù vốn từ của nó mặc định đã gọi người sinh ra mình là mẹ. Má. Mãi sau này nó chợt nhận ra rằng, kể từ ngày đó gần như nó không dùng từ mẹ nữa. Cũng từ hôm đó nó dỡ sạch những rào cản ngăn cách, thật sự coi bà Đa là má của mình, bắt đầu báo hiếu dù là có muộn đôi chút. Nó nhanh nhảu phụ giúp bà hái rau rồi gánh ra chợ bán những khi không được nghỉ học, chia sẻ những công việc trước kia nó lảng tránh. Má má con con vui vẻ sung sướng được mấy năm. Khi nó chuẩn bị bước vào đại học, có người đàn ông trong làng đến ngỏ ý hỏi cưới bà Đa. Dường như ai cũng thương người phụ nữ ấy, chịu thương chịu khó và ai cũng hiểu sự hy sinh của bà nên dù bà đã lỡ hai lần đò vẫn có người mong muốn được kết duyên cùng bà. Khi ấy, Mai cũng suy nghĩ rất nhiều và nó, thằng Mai cũng muốn bà có được hạnh phúc riêng sau từng ấy năm gánh gồng nuôi nó. Nhưng với bà, lúc này Mai đang ở giai đoạn quan trọng của cuộc đời, sắp sửa bước vào kỳ thi đại học, bà không muốn vì chuyện của bà làm nó phân tâm. Hơn ai hết, bà nghĩ nó là người thấu hiểu nhiều sự mất mát, nếu cả bà cũng làm nó cảm giác sẽ bỏ nó mà đi thì nó sẽ như thế nào, nó không còn ai ngoài bà cả.
- Tao là vợ của ba mày mà sao bây cứ gán ghép tao với người khác miết vậy hả?
- Nhưng chưa cưới mà, má có quyền đi tìm hạnh phúc riêng chớ.
Một tình huống nhưng hai hoàn cảnh khác nhau, ở khía cạnh của Mai nó chỉ mong muốn bà hạnh phúc không vướng bận gì nhưng lời nó nói nếu đứng ở vị trí của bà thì là một nỗi đau. Nó làm bà nhận ra thực tại bà và ông đã không có một kết cục hạnh phúc. Như cảm thấy có lỗi, Mai nhẹ nhàng ôm bà. Bà Đa vỗ vỗ lưng nó:
- Má con với nhau ở cạnh nhau từng ấy năm rồi sao tao không hiểu mày nghĩ gì. Nhưng má già rồi, má chỉ muốn yên ổn như thế này, không muốn đi vào gia đình khác nữa.
Nó im lặng nhưng nước mắt rơi. Sau đó nó thi đậu đại học và lên phố học, chỉ còn mình bà dưới quê nhìn dòng sông trôi trước mắt như thời gian của mình. Nó ra trường và mau chóng kiếm được một công việc tốt, sau đó nó lại xin nghỉ công tác để về quê, tiện bề chăm sóc cho bà. Ngày nó xin nghỉ bà rầy nó dữ lắm, vì bà nghĩ ở phố sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn nhưng nó cứ phải giải thích về sự đa dạng của các công việc online hiện giờ và hơn nữa nó muốn ở cạnh để tiện bề chăm sóc cho bà. Rồi năm ấy đại dịch tới, kinh tế đình trệ, nó cũng mất việc, mọi thứ lại quay về điểm xuất phát nhưng nó không cảm thấy lo sợ vì ít ra nó được ở cạnh bà, mẹ con sum họp cạnh nhau, lo lắng cho nhau và mọi thứ rồi sẽ được tạo dựng lại như ngày xưa khi bà hai bàn tay trắng vẫn nhất quyết không buông rơi nó.
Nhưng bất ngờ bà Lạc lại tìm về, ngỏ ý muốn đưa nó lên phố, sẽ nhờ dượng nó xin cho nó một công việc tốt vì ông là chủ một công ty và vẫn hoạt động tốt cả trong đại dịch. Tự nhiên thằng Mai lại đứng trước lựa chọn giữa mẹ và má. Bà Lạc ngỏ lời xong thì lên xe ra về, sau khi gật nhẹ đầu chào bà Đa. Làm gì mà bà Đa không nhận ra ánh nhìn “mục hạ vô nhân” kia nhưng bà bình thản để nó chìm lỉm trong thần thái ung dung của mình. Thì đã làm sao đâu! Dường như bà Lạc nghĩ đồng tiền có thể mua được tình cảm như cái cách năm xưa bà bỏ đi, chưa kể dẫu gì thì bà cũng là mẹ ruột của nó. Một giọt máu đào kia mà. Vả chăng đương lúc kinh tế khó khăn, dễ gì tìm được việc làm, hơn nữa đây lại là một công việc tốt. Nhưng điều khiến thằng Mai sửng sốt lại là cái cách bà Đa đón nhận cơ hội.
- Mày lên phố đi, đó là công việc tốt. Má còn khỏe mạnh, ở quê sống một mình cũng được. Đàn ông đàn ang gì mà do dự quá vậy. Cơ hội tốt như thế không dễ gì đến tới hai lần trong đời. Cũng có thể coi đây là một cách dàn hòa của hai mẹ con…
Thằng Mai lặng thinh. Nó không vướng bận hay khó khăn gì trong chuyện ra quyết định cả. Nó lặng thinh vì điều khác. Chọn thì nó sẽ chọn má Đa chứ. Nhưng điều khiến nó rơi tõm vào lặng thinh lạnh ngắt là vì nó nhớ lại cái cách thằng bé con là nó đã xua đuổi bà Đa, dù là một thằng bé con nhưng ác thì phải nói là ác chứ không thể nương nhẹ mà diễn giải khác đi. Không chỉ có vậy nó còn quyết liệt ngăn cản như thế nào khi ông Keo chăm sóc bà tý đỉnh. Nó bàng hoàng khi nhận ra cuối cùng thì trong cuộc đời này má nó đã dành toàn bộ tâm trí, sức vóc để chăm lo cho ba con nó, chăm lo hơn cả bản thân mình và ngoài nó ra bà Đa chả còn ai thân thích hơn.
- Ăn con cá đây là nhớ phải lừa xương ra trước, nhỏ cứ mỗi lần ăn cá là hóc. Đến khổ. Mà mày ăn đi chứ sao cứ ngồi thừ ra đó. Ủa chớ cái chi kỳ lạ dữ mày, tao đã nói cái gì mà chảy nước mắt dẫy bây? Sao mà “nhi nữ thường tình” dẫy he… - Bà Đa càm ràm… càm ràm nhưng trong giọng bà cũng đã nghèn nghẹn, bà giỏi giấu biệt cảm xúc của mình. Nhưng cái kiểu càm ràm đó, tự nó đã mở toang ra lòng bà đang nghĩ gì.
Mai nuốt ngược nước mắt vào tim. Nó gọi điện cảm ơn và từ chối đề nghị của bà Lạc mẹ nó. Nó cúp vội điện thoại trước những lời trách móc phía đầu dây bên kia kịp vang lên. Bà Đa vẫn không muốn nó vướng bận, vì bà mà bỏ mất cơ hội tốt.
- Mày có lớn mà không có khôn. Tao đây nhiều lắm chỉ là má ghẻ, là mẹ kế, sao cứ phải vướng bận làm gì. Mà có gì thì cũng cứ lên phố đi, rồi thì báo hiếu sau, mất mát chậm trễ đi đâu.
Nhưng Mai chỉ cười cười, nó cười cười đấy nhưng lòng không khỏi nghẹn ngào. Sao lại không chậm trễ nhỉ, chẳng phải ba nó đã chậm trễ một đời chỉ vì sự ngang ngược của nó hay sao.
Xã có đường cáp quang nên thằng Mai thoải mái làm việc ngay tại nhà. Rồi thì nó cưới vợ. Mọi thứ đầm ấm như thế đến khi nó phải lên phố bởi lúc này nó đã có doanh nghiệp riêng. Rồi nó năm lần bảy lượt muốn rước má nó về ở cùng. Ngày thằng bé bắt đầu tập nói tiếng hai tiếng ba, Mai kéo bà lại, nhất quyết tập cho tiếng vỡ lòng của đứa trẻ là “bà nội”. Nước mắt bà rưng rưng đột nhiên rơi xuống lúc nào không hay.
- Bà nội kế, bà thì thầm bên tai thằng bé!
- Không, chỉ là bà nội thôi! Thằng Mai ôm cả hai bà cháu vào lòng nó.