Tươi sáng chợ nông thôn mới
Trong những năm qua, thực hiện xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng chợ mới đáp ứng tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Chợ Háo Lễ (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) được xây dựng mới, đi vào hoạt động từ cuối năm 2023. Ảnh: H.THU
Đến một số chợ nông thôn mới tại địa bàn TX An Nhơn, huyện Tuy Phước, có thể thấy sự “lột xác” của chợ truyền thống được xây dựng tại địa điểm cũ hoặc tại địa điểm mới đáp ứng các điều kiện theo quy định, như về mặt bằng, diện tích xây dựng; kết cấu nhà chợ chính được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, nền chợ được bê tông hóa. Các khu bán thực phẩm tươi sống, khu dịch vụ ăn uống được bố trí riêng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đồng thời, các chợ nông thôn mới phải đảm bảo về vệ sinh môi trường, PCCC; có bộ phận quản lý chợ và nội quy được niêm yết công khai để điều hành hoạt động, xử lý vi phạm tại chợ. Từ đó, tạo sự thuận lợi cho người mua bán, tạo điểm đến cho du khách khi về tham quan tại địa phương.
Chợ An Thái mới (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) được xây dựng trên nền chợ cũ, đưa vào sử dụng từ năm 2022. Ảnh: H.T
Xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2023. Để đáp ứng tiêu chí về hạ tầng KT-XH, xã đã xây dựng mới và đưa vào hoạt động chợ Háo Lễ (tổng diện tích 3.400 m2) vào cuối năm 2023, với tổng kinh phí đầu tư hơn 12 tỷ đồng.
Ông Trần Minh Hoàng, Tổ phó Tổ quản lý chợ Háo Lễ, cho biết: “Hiện có 110 hộ tiểu thương đang kinh doanh trong chợ. Tổ chúng tôi hằng ngày quản lý chặt để đảm bảo vệ sinh môi trường, PCCC, cùng các quy định khác như đáp ứng tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Công Thương...”.
Tiểu thương bán nón ở chợ Nhơn Lộc (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn). Ảnh: H.T
Trong khuôn viên chợ Háo Lễ có 18 ki ốt cho tiểu thương thuê. Bà Trần Thị Xuân, tiểu thương có thâm niên kinh doanh ở chợ Háo Lễ cũ hơn 32 năm, cho biết: “Chợ mới có ki ốt xây dựng đẹp, vị trí thuận tiện, có sẵn những thiết bị cần thiết, nhà vệ sinh riêng. Có ki ốt ở chợ Háo Lễ mới, tôi mở rộng mặt hàng kinh doanh. Ngoài mua bán các loại vải, may gia công quần áo còn cho thuê, bán áo dài, vest phục vụ đám cưới... Tiểu thương buôn bán trong chợ cũng hài lòng vì có chỗ sạch đẹp, tổ chức hoạt động bài bản hơn”.
Chợ Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) sau khi xây dựng mới đã thu hút được nhiều tiểu thương vào buôn bán trong hơn 5 năm qua. Ảnh: H.T
Cùng với “chiếc áo mới” nhưng vẫn giữ “hồn cốt” thể hiện đặc trưng của chợ quê là chợ Nhơn Lộc (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) với nhiều sản phẩm của nông dân ở địa phương, các loại dụng cụ phục vụ lao động sản xuất, hay các món ẩm thực dân dã… để kết nối các thế hệ người bán - mua gắn bó với chợ truyền thống.
“Tôi làm và bán các loại bánh truyền thống từ thời trẻ cho đến nay, hầu như cả đời gắn bó với chợ truyền thống. Nay tuổi cao, được thấy chợ Nhơn Lộc xây dựng mới khang trang, sạch đẹp, tôi cảm thấy phấn khởi hơn trước sự đổi thay tích cực của quê hương”, bà Nguyễn Thị Mười (78 tuổi, tiểu thương ở chợ Nhơn Lộc) chia sẻ.
HOÀI THU