Dự phòng bệnh sởi cho trẻ
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, có khả năng lây lan nhanh chóng và dễ bùng phát thành dịch. Bệnh sởi ở trẻ em có diễn biến nhanh chóng và có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc gián đoạn cung ứng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc. Hệ quả theo báo cáo của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm từ đầu năm đến nay ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố, không ghi nhận ổ dịch tập trung.
Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện do vi rút có trong các giọt nước bọt nhỏ li ti bắn ra không khí. Biểu hiện của bệnh bao gồm sốt, phát ban và viêm đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng ở niêm mạc miệng. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh quản… thậm chí có thể viêm não tủy dễ dẫn đến tử vong.
Để phòng bệnh sởi, tiêm vắc xin là biện pháp đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hằng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ ốm nói chung, đặc biệt không tiếp xúc với bệnh nhân sởi hoặc nghi mắc sởi. Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông thoáng khí cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc… Khi có dấu hiệu của bệnh sởi, nên đến cơ sở y tế địa phương để được khám, điều trị và tư vấn về cách chăm sóc trẻ.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)