Bệnh án điện tử - rất hay, nhưng cần đầu tư rất lớn
Tiện lợi cho công tác quản lý y tế và người bệnh, song vướng nhiều khó khăn nên chưa có cơ sở y tế công lập nào của ngành y tế tỉnh chính thức thực hiện bệnh án điện tử. Hiện, BVÐK tỉnh đang được tỉnh đầu tư dự án nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số, trong đó có bệnh án điện tử.
Mới dừng ở mức số hóa hồ sơ bệnh án
Sáng 8.4, tại bộ phận nhi hô hấp (khoa Nhi, BVĐK tỉnh), điều dưỡng Phạm Thị Thanh Huyền cùng hai điều dưỡng khác in toàn bộ dữ liệu phục vụ điều trị cho bệnh nhi sau điều trị. Mỗi bệnh nhi một hồ sơ bệnh án từ phiếu điều trị, chăm sóc, kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng đều được thể hiện trên văn bản in rõ ràng. Điều dưỡng Huyền cho hay, việc truy xuất dữ liệu liên quan phục vụ điều trị bệnh nhân giờ đây khá thuận lợi do đã được nhập vào cơ sở dữ liệu ngay từ đầu, hồ sơ bệnh án được số hóa thay bệnh án giấy trước kia. Bệnh nhân giảm được thời gian chờ đợi, trong khi đó quan trọng hơn, toàn bộ thông tin liên quan việc điều trị có thể dễ dàng nắm trên mọi khía cạnh.
Điều dưỡng khoa Nhi, BVĐK tỉnh, trích xuất dữ liệu hồ sơ bệnh án bệnh nhi. Ảnh:M.H
Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định đối với bệnh viện hạng I trở lên phải hoàn thành bệnh án điện tử (BAĐT) trong năm 2023 và áp dụng đối với tất cả cơ sở khám chữa bệnh từ năm 2024 - 2028. Tuy nhiên, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Võ Bảo Dũng cho rằng để thực hiện được BAĐT, cần phải tuân thủ, đáp ứng Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của Bộ Y tế tại Thông tư 54/2017/TT-BYT và các hướng dẫn, quy định liên quan. Để đáp ứng đầy đủ các quy định này cần phải có thời gian và nguồn lực bao gồm nhân lực, hạ tầng CNTT và phần mềm, trong đó yếu tố hạ tầng chiếm tỷ trọng cao nhất cần hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách Nhà nước. “Tháng 11.2023, BVĐK tỉnh được UBND tỉnh bố trí nguồn vốn 40 tỷ đồng thực hiện dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT phục vụ chuyển đổi số. Kế hoạch đến cuối quý III/2025 sẽ hoàn thành dự án, cài đặt hệ thống phần mềm để triển khai BAĐT”, ông Dũng cho hay.
Nhiều năm trước, TTYT TX An Nhơn quyết tâm đầu tư hạ tầng CNTT để triển khai hệ thống thông tin y tế, công tác lưu trữ thông tin về bệnh nhân từ thời điểm làm thủ tục nhập viện đến khi xuất viện (nối mạng dữ liệu trong việc khám chữa bệnh, kết nối với cổng thanh toán BHYT). “Nhưng, để triển khai thực hiện BAĐT thì chưa làm được do còn thiếu về cơ sở hạ tầng và nhân lực. Thực hiện BAĐT không hề đơn giản, bên cạnh đầu tư nâng cấp hệ thống CNTT, bệnh viện còn phải tính đến việc lưu hồ sơ bệnh án như thế nào để bảo đảm hệ số an toàn, bí mật thông tin cho bệnh nhân; chống vi rút ra sao; nếu mất mạng internet hay thất thoát dữ liệu thì phải xử lý thế nào... Bệnh viện phải triển khai từng phần, làm từng bước một”, Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình thẳng thắn nói.
Nhiều kỳ vọng nhưng thiếu nhân lực, cơ chế
Theo các bệnh viện, với BAĐT, bệnh án được tạo lập theo quy chuẩn chung, có đầy đủ thông tin hành chính, bệnh sử, các chỉ số/kết quả cận lâm sàng, diễn biến lâm sàng… được quản lý tập trung trên môi trường điện tử, rất thuận tiện tra cứu cho chẩn đoán, hội chẩn, ra quyết định điều trị, học tập, nghiên cứu khoa học. Đồng thời, dễ dàng kết xuất, chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các bệnh viện phục vụ hội chẩn liên viện, từ xa; liên thông với kho dữ liệu y tế, hệ thống hồ sơ sức khỏe công dân. Đặc biệt, đơn giản hóa việc tiếp nhận thông tin để đăng ký khám chữa bệnh, rút ngắn thời gian các khâu thủ tục trong quy trình khám chữa bệnh…
Hiện trong kết cấu giá dịch vụ y tế chưa có chi phí CNTT, các phần mềm phục vụ, đặc biệt là các phần mềm chuyên dụng… đây là khó khăn rất lớn trên lộ trình thực hiện BAĐT. Ảnh: N.T.H
Còn với người bệnh, BAĐT mang lại rất nhiều lợi ích, nhất là liên thông dữ liệu y tế, đăng ký khám chữa bệnh từ xa, xem thông tin hồ sơ sức khỏe cá nhân; không phải hoang mang khi… đọc chữ viết của bác sĩ.
Ông Võ Bảo Dũng chia sẻ, triển khai BAĐT phải hết sức thận trọng, đây thật sự là thách thức bởi ngay từ đầu phải tính toán đến bảo đảm an ninh mạng, an toàn, bảo mật thông tin cho bệnh nhân và hoạt động điều trị. Trong khi đó, thu nhập hạn chế và chưa có đãi ngộ tương xứng nên bệnh viện không thể tuyển dụng được chuyên gia có trình độ tốt ở các lĩnh vực có liên quan. Việc trông chờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên trách sẽ không kịp thời, giống như “nước xa không cứu được lửa gần”. Đội ngũ tại chỗ nếu được đào tạo bài bản, có kỹ năng tốt bao giờ cũng nhanh chóng, kịp thời, tốt hơn.
Cùng với bảo mật thông tin, an toàn thông tin, Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn Trần Kỳ Hậu cũng rất ưu tư về cơ chế chính sách tài chính cho ứng dụng CNTT để triển khai BAĐT. Rất ưu tư là bởi hiện trong kết cấu giá dịch vụ y tế chưa có chi phí CNTT, các phần mềm phục vụ, đặc biệt là các phần mềm chuyên dụng… Ngay như hiện nay TTYT thành phố chỉ mới áp dụng ở mức số hóa hồ sơ bệnh án nhưng hằng năm vẫn phải đầu tư khá nhiều kinh phí để thuê phần mềm, nâng cấp, mua sắm thay thế thiết bị, duy tu, sửa chữa.
Để triển khai BAĐT cần đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị, vật tư cần thiết, đầu tư các máy chủ, máy trạm, hệ thống mạng, thiết bị ngoại vi, thiết bị di động, ki ốt tiếp đón - thanh toán tự động, nâng cấp hệ điều hành, phần mềm để tích hợp các hệ thống quản lý bệnh viện, quản lý thông tin phòng xét nghiệm, hệ thống lưu trữ và thu nhận hình ảnh, lưu trữ hồ sơ bệnh án... Vì vậy, cần phải có kinh phí rất lớn đầu tư cho hệ thống CNTT.
Tại TTYT TX An Nhơn, mỗi ngày có khoảng 600 - 1.000 lượt bệnh nhân đến làm các thủ tục nhập viện nội trú. Dự trù kinh phí cho đầu tư triển khai BAĐT hơn 20 tỷ đồng, đây là khó khăn lớn nhất khi cơ sở tự chủ tài chính. Trong khi đó, Trung tâm có 200 máy tính nhưng hiện chỉ có 2 nhân sự quản lý, bảo trì. “Nhân viên CNTT bên ngoài lương cao trong khi ở tại bệnh viện vẫn lãnh lương… theo cơ chế. Ngành y tế chưa có cơ chế chính sách khuyến khích nhân viên CNTT chất lượng cao làm việc trong môi trường bệnh viện, dẫn đến việc giữ nhân sự gặp nhiều khó khăn. Vì thế, để tìm một lực lượng CNTT chuyên môn cao về làm cho bệnh viện là rất khó!”, ông Bình nhấn mạnh.
MAI HOÀNG