Công trình cấp nước sinh hoạt ở miền núi: Cần có giải pháp quản lý hiệu quả, tránh lãng phí
Từ nhiều năm nay, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại các làng Hiệp Hưng và Suối Ðá (xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh), thôn Tà Lét (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) và xã An Hưng (huyện An Lão) bị hư hỏng, xuống cấp, không còn sử dụng.
Nhiều công trình bị bỏ hoang
Ông Đinh Văn Tuấn (ở làng Hiệp Hưng, xã Canh Hiệp) cho biết: Trước đây, trên địa bàn xã Canh Hiệp được đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt từ suối Phướn (thị trấn Vân Canh) về các điểm làng của xã. Vào thời điểm đó, do không có đất xây dựng hồ chứa nước tập trung, lãnh đạo địa phương vận động người dân cho đơn vị thi công xây dựng bể trong diện tích sử dụng đất của dân. Đến nay, hệ thống cấp nước này đã hư hỏng, không còn sử dụng, đề nghị cho phép người dân tự phá bỏ các bể nước để trả lại đất sử dụng.
Còn ông Đinh Văn Rê (ở thôn Tà Lét, xã Vĩnh Hiệp) cho hay, trước đây hệ thống nước sinh hoạt tự chảy ở thôn lấy từ trên núi rồi dẫn về các bể chứa nước tập trung để người dân sử dụng. Tuy nhiên, gần 5 năm nay, đường ống nước bị bể, không ai sửa nên các bể cũng bị bỏ hoang. “Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị nên phá bỏ, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi từ cơ quan chức năng”, ông Rê nói.
Chung hoàn cảnh như trên, bà Đ.T.L. (ở thôn 1, xã An Hưng) cho biết, công trình nước sinh hoạt tự chảy trước đây phục vụ nước cho tất cả hộ dân ở đây. Tuy nhiên, sau 3 năm sử dụng, công trình không còn nước, xuống cấp nhưng không được duy tu, sửa chữa, bỏ hoang. “Để có nguồn nước sử dụng sinh hoạt hằng ngày, tôi và 4 gia đình khác phải tự bỏ tiền đào giếng. Đặc biệt, trong những tháng nắng nóng, giếng cạn nước, tôi phải sử dụng can nhựa loại 10 - 20 lít đi nhiều chuyến vào tận trong núi lấy nước từ khe suối đem về dùng nên rất vất vả, tốn công”, bà L. nói.
Bể nước án ngữ trước nhà ông Đinh Văn Tuấn ở làng Hiệp Hưng (xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh) khiến việc đi lại rất khó khăn. Ảnh: V.L
Cần có giải pháp hữu hiệu
Theo lãnh đạo các xã Canh Hiệp, Vĩnh Hiệp và An Hưng, trước đây, các công trình nước sinh hoạt tập trung từ Chương trình mục tiêu quốc gia 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia 135 về phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đặt ra kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Thế nhưng, do không có người quản lý và thiếu kinh phí sửa chữa, một số công trình nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. Theo thống kê, tại làng Hiệp Hưng và Suối Đá (xã Canh Hiệp) có khoảng 10 công trình bị hư hỏng, đã ngưng hoạt động từ nhiều năm nay. Tại thôn Tà Lét (xã Vĩnh Hiệp) có 7 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đều bị bỏ hoang do hư hỏng, xuống cấp.
Ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, xác nhận tình trạng các bể nước nằm trong nhà dân đã chiếm dụng phần lớn diện tích đất ở mà người dân đang sở hữu, ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt. Các công trình này trước đây do Ban Dân tộc và Miền núi (nay là Ban Dân tộc tỉnh) làm chủ đầu tư xây dựng, nhưng sau đó không bàn giao cho huyện, nên huyện không có hồ sơ lưu, không biết đã hết thời hạn sử dụng hay chưa. Mặt khác, đây là tài sản của nhà nước nên huyện không thể cho nhân dân phá bỏ. “Huyện cũng đã nhiều lần xin ý kiến từ Ban Dân tộc tỉnh để xử lý tình trạng trên, nhưng đến nay Ban vẫn chưa trả lời”, ông Cường nói.
Theo Quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm, đối với các công trình đầu tư nước sinh hoạt tự chảy, UBND huyện đã phân cấp cho các địa phương quản lý, sử dụng từ lâu. Ngoài ra, trong các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững hằng năm đều có nguồn vốn duy tu, sửa chữa nhỏ từ 150 - 200 triệu đồng, phân bổ cho các địa phương sử dụng. Vì vậy, UBND huyện sẽ chỉ đạo cho các địa phương lấy nguồn kinh phí hỗ trợ đó để sửa chữa, nâng cấp các hệ thống nước tự chảy, bể chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, phải phát huy được hiệu quả các công trình, tránh gây lãng phí.
VĂN LƯU - TRIỀU CHÂU