An Lão bảo tồn các làn điệu Ta lêu, Ka choi
Những năm qua, UBND huyện An Lão có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm khôi phục lại các làn điệu Ta lêu, Ka choi của đồng bào H’re, Bana trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần phục hồi, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống.
An Lão có 9 xã và 1 thị trấn với 3 dân tộc chính là Kinh, H’re và Bana, trong đó có 40 thôn thuộc 8 xã và 1 thị trấn có đồng bào H’re, Bana sinh sống. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa mang đậm bản sắc riêng, phong phú và đa dạng như các lễ hội văn hóa, thể thao; các nghi lễ cưới, cúng làng, cúng con nước; hát ru, hát dân ca, dân vũ, dân nhạc; nhạc cụ cồng chiêng, nhất là các làn điệu Ta lêu, Ka choi.
UBND huyện An Lão tổ chức thu âm, ghi hình, khôi phục lại các làn điệu Ta lêu, Ka choi. Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Ta lêu là điệu hát kể, có tính chất tự sự với hai dòng Ta lêu cổ và Ta lêu mới. Ta lêu dùng để hát kể cho con cháu nghe bên bếp lửa nhà sàn, kể về các anh hùng huyền thoại của cộng đồng tộc người, về các vị thần linh, những con người tài trí, dũng cảm, kể về mối quan hệ giữa người và trời, phê phán điều ác độc và giáo dục cái thiện.
Ka choi là làn điệu hát đối đáp, giai điệu trong sáng, đơn giản, mượt mà, tình cảm, thể hiện nhiều đề tài khác nhau như chuyện yêu đương, chuyện gia đình, chuyện xã hội, mừng quê hương, đất nước... Ngoài ra, Ka choi để hát đối đáp lẫn nhau, có thể kéo dài suốt đêm mà không có hồi kết; người thể hiện phải biết cách rung giọng, kéo dài hơi một cách khéo léo, hợp lý thì mới có thể tạo ấn tượng cho người nghe.
Trong các dịp Tết, cúng, đám cưới, hay sinh hoạt vui chơi, ngồi bên ché rượu cần, khi có chút men rượu, người H’re, Bana thường rủ nhau hát Ta lêu, Ka choi để giao lưu, chia sẻ tâm tư tình cảm của mình hoặc thể hiện khả năng, tài nghệ ca hát với mọi người.
Theo thời gian, sự du nhập của âm nhạc hiện đại mang tính thương mại và bước phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin, đã dẫn đến các hình thức sinh hoạt văn hóa, lễ hội, âm nhạc, nhạc cụ truyền thống bị thất lạc và dần mai một. Số nghệ nhân biết trình diễn và biết hát các làn điệu Ta lêu, Ka choi dần vắng bóng.
Năm 2022, UBND huyện An Lão đã chỉ đạo Phòng VH&TT huyện phối hợp với Trung tâm VH-TT-TT huyện, UBND các xã An Trung, An Toàn và thị trấn An Lão tổ chức khảo sát, lựa chọn 8 bài hát Ta lêu, Ka choi của đồng bào H’re, Bana và 2 bài hát về An Lão (tiếng H’re) để tập luyện, tổ chức hòa âm, phối khí, thu âm, ghi hình thành tư liệu nhạc, video clip. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các làn điệu Ta lêu, Ka Choi của đồng bào dân tộc H’re, Bana trên địa bàn huyện.
Ông Đinh Văn Trai, người dân tộc Bana ở thôn 1, xã An Toàn, chia sẻ: Việc khôi phục các làn điệu Ta lêu, Ka choi rất có ý nghĩa, giúp chúng tôi bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của ông cha mình.
Ông Châu Anh Tế, Trưởng Phòng VH&TT huyện An Lão, cho biết: Chúng tôi sẽ thí điểm tổ chức dạy hát các làn điệu này cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, THCS và THPT. Sau đó, nhân rộng ra các trường học, địa phương trên địa bàn huyện và đưa vào hoạt động biểu diễn của các đội văn nghệ, CLB các thôn, xã; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội... hằng năm.
THÀNH NGUYÊN