Vắng khách, tiểu thương bỏ chợ
Từ sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến nay, việc kinh doanh của các tiểu thương ở nhiều chợ truyền thống trong tỉnh gặp khó khăn do vắng khách. Một số tiểu thương nỗ lực xoay xở bán hàng qua mạng xã hội, giao hàng tận nhà nhưng vẫn không thay đổi tình hình; nhiều tiểu thương xin tạm nghỉ kinh doanh.
Sức mua giảm mạnh
Tại chợ Khu 6, phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) lúc 8 giờ sáng, các sạp bán thực phẩm tươi sống còn đông khách, mặt hàng bán thực phẩm khô, hóa mỹ phẩm có lác đác người, trong khi đó sạp bán quần áo, vải, đồ nhựa… không có khách.
Bà Nguyễn Thị Linh, 44 tuổi, chủ sạp bán gà sống ở chợ Khu 6 cho rằng: Tình trạng chợ tự phát xung quanh chợ Khu 6 quá nhiều khiến hoạt động mua bán của tiểu thương trong chợ ế ẩm. Hiện nay, tôi chỉ bán được khoảng 30% so với trước đây. Có những ngày, tôi đi bỏ mối cho các quán ăn, khách sạn mà không ra chợ vì ngồi cả buổi không bán được con gà nào.
Trước tình hình kinh doanh ế ẩm từ các chợ ở thành phố đến nông thôn, các tiểu thương tìm mọi cách bán hàng qua mạng xã hội. Chị Lê Thị Hồng, chủ sạp bán hải sản tươi sống ở chợ Tam Quan (TX Hoài Nhơn), cho biết: Hơn 2 năm nay, tôi bán trực tiếp ở chợ và chụp hình đăng lên Facebook, Zalo, giao hàng tận nhà cho khách khi có yêu cầu. Ban đầu, tình hình kinh doanh có cải thiện nhưng từ năm 2024 thì bán chậm, chỉ bằng 50% so với năm ngoái.
Để tự cứu mình, nhiều tiểu thương bán hàng qua kênh online cũng như tổ chức các chương trình giảm giá, khuyến mãi tương tự như các siêu thị, cửa hàng tiện lợi nhưng không khả quan hơn. Chị Lê Phụng Hoàng, chủ sạp đặc sản Bà Năm ở chợ Đầm (TP Quy Nhơn), chia sẻ: So với các tiểu thương ở chợ, tôi còn biết chút ít công nghệ nên tìm cách khắc phục khó khăn bằng cách bán hàng qua mạng xã hội. Nhưng tình hình kinh doanh không mấy khả quan, sức mua giảm 70%. Tôi tìm cách “chạy” quảng cáo trên mạng xã hội nhưng khách tới chợ ngại vào vì đường đi nhếch nhác, họ thường mua ở các sạp ngoài đường.
Tiểu thương chợ Khu 6 ngồi buồn vì chợ không có khách. Ảnh: HẢI YẾN
Cần nâng cấp, quy hoạch lại chợ
Nhiều tiểu thương có thâm niên 30 năm kinh doanh tại các chợ trong tỉnh đều than phiền chưa bao giờ sức mua lại giảm sâu như giai đoạn này. Khó khăn, ế ẩm nhưng nhiều người cố gắng bám trụ vì không biết kiếm việc gì khác.
Ông Trần Phúc Danh, Trưởng Ban Quản lý chợ Đầm, cho biết: Hạ tầng chợ hiện đã xuống cấp trầm trọng, nhếch nhác nên khó thu hút khách. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị sửa chữa, nâng cấp hạ tầng nhưng chưa thể triển khai vì không thể tìm được địa điểm cho tiểu thương bán tạm trong quá trình sửa chữa... Từ đầu năm 2024 đến nay, 10 hộ kinh doanh xin tạm nghỉ vì bán ế ẩm.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý chợ Khu 6 cho hay: Từ đầu năm 2024 đến nay, có 30 hộ xin nghỉ bán. Chúng tôi tạo mọi điều kiện, hỗ trợ tiểu thương chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi thanh toán bằng QR… Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện đề án sửa chữa chợ với tổng kinh phí trên 5,3 tỷ đồng. Việc sửa chữa chợ khang trang hơn là cần thiết để các tiểu thương có thể cải thiện kinh doanh, thu hút khách du lịch mua sắm.
Nhu cầu tiêu dùng của người dân có nhiều thay đổi vì kinh doanh online đang là xu thế phát triển. Để thu hút khách, các chợ cần đánh giá lại hoạt động để có những mô hình mới phù hợp thực tế, trong đó có việc chuyển đổi công năng các chợ hoạt động không hiệu quả. Một số chợ khoảng cách quá gần nhau có thể quy hoạch lại, như chợ Chương Dương và chợ Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) có thể quy hoạch chợ Ghềnh Ráng thành khu chuyên bán hàng đặc sản Bình Định; chợ Khu 1 gần chợ Lớn mới (TP Quy Nhơn) có thể quy hoạch thành chợ hải sản tươi sống...
Các cơ quan quản lý, ban quản trị các chợ và chính quyền các địa phương cũng phải có giải pháp chấm dứt nạn “chợ cóc”, “chợ dù” ở xung quanh, vừa lấn chiếm lòng đường, cản trở giao thông lại gây sức ép lên chợ truyền thống.
Ngoài ra, các sở, ngành cũng cần tổ chức hoạt động hướng dẫn hộ kinh doanh các chợ buôn bán thông qua các kênh mua bán trực tuyến; hỗ trợ tiếp cận nguồn hàng để giảm chi phí bán ra; có chính sách hỗ trợ về thuế, phí và các loại dịch vụ khác để tiểu thương và người buôn bán làm ăn có lãi, không bỏ sạp vì lỗ.
HẢI YẾN