Nâng cao hiểu biết pháp luật thông qua Bộ pháp điển
Bộ pháp điển là công cụ hỗ trợ đắc lực để người dân tra cứu các thông tin pháp luật hệ thống, toàn diện và đầy đủ. Việc đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng, khai thác Bộ pháp điển là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo người dân được tiếp nhận thông tin pháp luật chính thống.
Công cụ tra cứu pháp luật chính thống
Năm 2014, Bộ pháp điển ra đời góp phần tạo ra những chuyển biến mới trong hệ thống pháp luật, góp phần giúp người dân thay đổi thói quen từ khai thác, sử dụng các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) riêng lẻ sang khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã làm sạch hàng nghìn văn bản QPPL, giúp người dân dễ dàng tra cứu các thông tin pháp luật trên kênh chính thống và hoàn toàn miễn phí.
Thực tế cho thấy, khái niệm “Bộ pháp điển” trong nhân dân vẫn còn chưa phổ biến. Với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều người rà soát các thông tin pháp luật từ nhiều kênh không đảm bảo dễ dẫn đến hiểu sai các quy định của pháp luật.
Khi chưa biết đến Bộ pháp điển, bà Nguyễn Thị Thu Anh (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) thường hay tra cứu các thông tin pháp luật trên Google. Bà Anh là thành viên của tổ hòa giải ở địa phương, nếu phổ cập các kiến thức pháp luật từ các kênh không chính thống sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác hòa giải và gây ảnh hưởng xấu đến công tác tuyên truyền.
Bà Anh kể, khi hòa giải các vụ việc, nếu không nắm rõ các kiến thức pháp luật, người dân không được giải đáp tường tận các thắc mắc sẽ dễ dẫn đến các khiếu nại vượt cấp. Khi tra cứu trên mạng xã hội, các nội dung đều chung chung hoặc không ghi rõ nguồn thông tin khiến cho hòa giải viên khó phân định, đôi lúc phải “gõ cửa” luật sư. Đơn cử như vụ việc tranh chấp đất đai của hộ ông N. và ông K. (ở khu phố 5) vào đầu năm 2024, tổ hòa giải chưa giải đáp được mức xử phạt hành chính trên lĩnh vực đất đai, 2 gia đình đã nóng lòng làm đơn khiếu nại cấp cao hơn. Trước đó, ông N. và ông K. cũng đã tra cứu Luật Đất đai trên mạng và nghe nhiều thông tin khác nhau mới để xảy ra mâu thuẫn lớn.
Mặt khác, Bộ pháp điển được xem là “bách khoa toàn thư” về pháp luật được nhiều người ứng dụng vào công việc. Chị Hà Nguyễn Kiều Anh (ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) thường xuyên tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến do Sở Tư pháp tổ chức. Sau khi tìm hiểu về Bộ pháp điển, chị đã trả lời các câu hỏi dễ dàng hơn.
“Khi tra cứu pháp luật trên mạng xã hội, dù có thông tin thì tôi vẫn chưa thể hiểu tường tận. Các nội dung trong văn bản khá rối rắm, khó hiểu. Khi tra cứu trên Bộ pháp điển tôi thấy dễ hiểu hơn nhiều”, chị Kiều Anh nói.
Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn tra cứu các thông tin pháp luật trên Bộ pháp điển. Ảnh: X.Q
Đưa Bộ pháp điển vào đời sống
Ngày 2.2.2024, Bộ Tư pháp đã ban hành Đề án Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, nhằm thay đổi thói quen tìm kiếm, tra cứu các quy định pháp luật trong các văn bản QPPL và phát huy hiệu quả của Bộ pháp điển trong quá trình thực hiện giải quyết các vấn đề trong công việc. Sở Tư pháp đã tích cực tuyên truyền, giới thiệu đến công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc khai thác và sử dụng Bộ pháp điển trong quá trình thực hiện giải quyết công việc thường ngày của cơ quan, đơn vị.
Khi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa phương, các báo cáo viên cũng lồng ghép các nội dung về khai thác và sử dụng Bộ pháp điển để người dân nắm rõ; hướng dẫn người dân truy cập vào link chính thức của Cổng thông tin điện tử pháp điển (địa chỉ https://phapdien.moj.gov.vn). Đồng thời, tại các cổng/trang thông tin điện tử của địa phương, trang thông tin điện tử của các đơn vị trực thuộc đều được gắn đường link Cổng thông tin điện tử pháp điển.
Theo ông Phạm Dân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Bộ pháp điển là sản phẩm chính thức của Nhà nước được khai thác và sử dụng miễn phí. Bộ Tư pháp đã xây dựng được 92% khối lượng Bộ pháp điển giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng tiếp cận, tra cứu các văn bản QPPL, đảm bảo các văn bản còn hiệu lực.
“Trong thời buổi mạng lưới internet phát triển rộng khắp, người dân khi tra cứu các thông tin pháp luật cần tìm hiểu từ các nguồn văn bản chính thống, điển hình là Bộ pháp điển. Trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vấn đề này chúng tôi sẽ chú trọng và nhắc đến nhiều hơn để hình thành thói quen sử dụng, khai thác Bộ pháp điển trong nhân dân”, ông Dân nói.
Bộ pháp điển bao gồm 271 đề mục thuộc 45 chủ đề được sắp xếp theo trật tự, trong đó chứa đựng các QPPL điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định được xác định theo lĩnh vực.
Theo thống kê trên Cổng thông tin điện tử pháp điển, tính đến đầu tháng 4.2024, đã có hơn 11 triệu lượt truy cập (trung bình mỗi ngày có 3.070 lượt truy cập). Điều đó cho thấy, Bộ pháp điển đã dần được các cá nhân, tổ chức quan tâm sử dụng, khai thác thông tin.
XUÂN QUỲNH