Gần 1.160 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp
Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh trực tiếp, nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn hoặc mưa lũ gây hậu quả nghiêm trọng.
Nếu các công trình thủy lợi, trong đó có hồ chứa nước không bảo đảm an toàn sẽ là nguy cơ lớn trong việc bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Bên cạnh đó, các hồ chứa thủy lợi có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, điều tiết nước phòng chống lũ trong mùa mưa, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.
Công nhân Xí nghiệp thủy nông Kim Bảng (Hà Nam) vận hành máy.
Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay trên địa bàn cả nước có 6.750 hồ chứa thủy lợi. Trong thời gian vừa qua được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ cũng như nỗ lực của các địa phương, phần lớn các hồ chứa lớn có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã được sửa chữa bảo đảm an toàn.
Qua thống kê cho thấy, 100% số hồ chứa thủy lợi được kiểm tra theo quy định; 90% số hồ có cửa van có quy trình vận hành được duyệt; 86% số hồ được đăng ký an toàn đập; 77% số hồ được lập phương án ứng phó thiên tai.
Phó Cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh cho biết: “Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được bố trí 3.800 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 30 công trình đập, hồ chứa thủy lợi; trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ hỗ trợ các địa phương sửa chữa nâng cấp 68 hồ với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng”.
Tuy nhiên, theo thống kê của 45 địa phương thì có khoảng 1.159 hồ chứa thủy lợi đang bị hư hỏng, xuống cấp. Trong đó, có 338 hồ chứa thủy lợi hư hỏng nặng, 555 hồ chứa hư hỏng vừa và 266 hư hỏng nhẹ. Nhiều nhất là ở Hà Tĩnh với 79 hồ chứa, Thanh Hóa 51 hồ chứa, Tuyên Quang với 47 hồ chứa, Phú Thọ 46 hồ chứa, Hòa Bình 44 hồ chứa…
Cũng theo Phó Cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh: “Việc các hồ chứa thủy lợi xuống cấp gây nguy cơ mất an toàn cao, không phát huy được hết năng lực. Ngoài ra, chi phí quản lý vận hành tốn kém hơn, hiệu quả thấp, không đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh”.
Hiện tại, theo sự phát triển của kinh tế-xã hội, khu vực hạ du đang dần hình thành các khu đô thị, thành phố dẫn đến hệ quả hành lang thoát lũ của các hồ chứa thủy lợi đang bị thu hẹp lại; lưu lượng xả của các hồ chứa nếu xả theo thiết kế sẽ gây ngập lụt cho khu vực hạ du.
Để hạn chế tình trạng này các bộ, ngành, địa phương cần kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hồ chứa thủy lợi để sớm sửa chữa các công trình, hạng mục có nguy cơ mất an toàn cao trước mưa, bão; hỗ trợ kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp hồ chứa theo hướng sắp xếp thứ tự ưu tiên để sửa chữa, nâng cấp các công trình hư hỏng nặng trước.
(Theo NDO)