Đưa Luật Các tổ chức tín dụng vào cuộc sống
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua (có hiệu lực từ ngày 1.7.2024) có nhiều điểm mới, tác động sâu rộng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng và cả khách hàng vay vốn. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, về những điểm mới và việc chủ động đưa Luật vào cuộc sống.
● Thời gian gần đây, hoạt động ngân hàng thay đổi tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển; tuy vậy vẫn còn nhiều DN cho rằng, việc tiếp cận vay vốn ngân hàng còn gặp khó khăn, ông có thể chia sẻ về vấn đề này?
- Điểm nổi bật dễ nhận thấy là các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã nghiêm túc thực hiện các chương trình, chính sách, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và của UBND tỉnh. Ngành ngân hàng cũng đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tích cực cung ứng vốn cho thị trường, mang đến cho khách hàng nhiều dịch vụ tiện ích, đáp ứng yêu cầu phát triển. Tổng dư nợ đến ngày 31.12.2023 đạt 103.638 tỷ đồng, tăng 7.635 tỷ đồng so với cuối năm 2022, góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính cho người dân và DN, ổn định thị trường tiền tệ, thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển. Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội.
Tuy vậy, khách quan nhìn nhận, hoạt động của ngành ngân hàng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể là tăng trưởng tín dụng và kết quả triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của người dân và DN gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn thấp. Bên cạnh đó, nhiều DN chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các TCTD, dẫn tới khả năng tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế. Trong khi đó, một số TCTD chưa thực sự quyết liệt trong việc truyền thông và triển khai các chương trình cho vay đến khách hàng. Ngoài ra, nhiều TCTD bị vướng bởi các quy định nội bộ của hội sở chính liên quan đến việc thẩm định các điều kiện cho vay vốn.
Một vấn đề khác tác động đến hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, đó là nợ xấu nội bảng năm 2023 tăng cao so với cuối năm 2022 và việc xử lý nợ gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khách hàng chây ỳ, thiếu thiện chí hợp tác trong xử lý nợ, ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng. Từ lâu, hệ thống thông tin điện tử của ngành ngân hàng đã liên thông, khách hàng có nợ quá hạn tại TCTD này thì các TCTD khác cũng sẽ biết. Để hạn chế nợ xấu và những rủi ro phát sinh, các ngân hàng cẩn trọng hơn trong việc thẩm định cho vay với nhóm khách hàng này.
● Xin ông cho biết, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (Luật CTCTD) có điểm mới quan trọng nào và chúng tác động ra sao đến các TCTD, khách hàng?
- Luật CTCTD có nhiều quy định mới tác động sâu rộng đến cả hoạt động của các TCTD và khách hàng vay vốn. Trong đó, đáng chú ý là quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo hướng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và sửa đổi, bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của TCTD trở lên. Điều này sẽ giúp tăng năng lực quản trị, điều hành, minh bạch hóa hoạt động của TCTD, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối hoạt động của cổ đông lớn tại TCTD.
Hoạt động tín dụng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quy Nhơn. Ảnh: T.SỸ
Luật cũng quy định rõ lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng và sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện người quản lý, điều hành nhằm nâng cao tính độc lập, chuyên trách của thành viên HĐQT độc lập, thành viên ban kiểm soát... Bên cạnh đó, Luật bổ sung một số quy định để hợp nhất giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký DN, phù hợp với định hướng chung của Đảng, Nhà nước trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ DN và người dân trong hoạt động SXKD. Luật CTCTD cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cấp tín dụng nhỏ lẻ. Những thay đổi này sẽ giúp giảm quy trình thủ tục, đa dạng hóa hoạt động của các TCTD, qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn và dịch vụ tài chính của người dân và DN.
Ngoài ra, Luật CTCTD còn bổ sung quy định về cấm các TCTD, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung một số hoạt động mới phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế như: Hoạt động ngân quỹ, thư tín dụng, bao thanh toán, đại lý quản lý tài sản...
● Đưa Luật CTCTD vào cuộc sống là việc làm quan trọng, công tác này được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Hiện Chi nhánh NHNN tỉnh đã quán triệt nội dung Luật CTCTD đến tất cả lãnh đạo các TTCD trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo các tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để cán bộ, nhân viên trong hệ thống nắm vững Luật. Cùng với đó, chủ động nắm bắt các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, rà soát, đối chiếu văn bản quy định nội bộ hiện hành để áp dụng nhanh và đúng.
● Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)