Sơ kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2019 - 2024
(BĐ) - Sáng 12.4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tổ chức hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2019 - 2024 (gọi tắt là Cuộc vận động).
Chủ trì hội nghị có các đồng chí trong Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, gồm: Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Hồ Xuân Ánh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương; Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: C.H
Dự hội nghị có Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh; các đồng chí lãnh đạo các Ban Xây dựng đảng của tỉnh; lãnh đạo sở, ngành, Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Phạm Văn Nam cho biết, giai đoạn 2019 - 2024, thực hiện Cuộc Vận động, Ban Chỉ đạo nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, Cuộc vận động đã triển khai hiệu quả, đồng bộ, đạt được những kết quả quan trọng.
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đề nghị Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các Chương trình xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ hằng năm về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường... Đồng thời, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động của ngành Công thương thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ hiệu quả nhất.
Từ đó, các đề án, nhiệm vụ hưởng ứng Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên, như: Tổ chức 10 kỳ hội chợ triển lãm thương mại; xây dựng 8 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt; triển khai 6 Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi; tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng Việt Nam tại tỉnh; hội chợ triển lãm sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh, thành tại tỉnh và thu hút hơn 50 nghìn lượt khách tham quan, mua sắm...
Mặt khác, các sở, ngành, hội đoàn thể cũng tích cực chủ động tham gia các hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh để giới thiệu, mở rộng thị trường sản phẩm của tỉnh, như: Sở NN&PTNT, Sở Du lịch, Hội Nông dân tham gia giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề của tỉnh tại Festival dừa Bến Tre, lúa gạo Cần Thơ; nhiều đợt hội chợ, triển lãm du lịch trong nước và quốc tế...
Trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong 5 năm qua, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 4.840 vụ, xử lý vi phạm 2.694 vụ, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước hơn 11,6 tỷ đồng. Các cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo các cấp trong tỉnh cũng phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tại 29.230 cơ sở sản xuất kinh doanh và đã phát hiện và xử lý 405 trường hợp, với số tiền gần 763 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện Cuộc vận động, một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, MTTQ và đoàn thể chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động; hoạt động tổ chức các hội chợ triển lãm thương mại, hội chợ hàng Việt về nông thôn còn gặp khó khăn về mẫu mã, giá cả; một số mặt hàng chất lượng chưa cao; tình trạng hàng giả, kém chất lượng còn xảy ra...
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Nguyễn Thị Phong Vũ và các đại biểu tham quan một số gian hàng OCOP tại hội nghị. Ảnh: C.H
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày nhiều ý kiến, tham luận tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện hiệu quả hơn Cuộc vận động, như: Công tác đấu tranh, phát hiện chống hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng; công tác chỉ đạo xây dựng các làng nghề truyền thống; đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp trong tỉnh, các thành viên Ban cần chủ động tham mưu cấp ủy, phối hợp chính quyền các cấp tăng cường phát huy các lợi thế của nền tảng số, mạng xã hội để đẩy mạnh công tác truyền thông về cuộc vận động.
Cần tăng cường các hoạt động giới thiệu sản phẩm, thương hiệu Việt uy tín; công khai, minh bạch thông tin, nguồn gốc sản phẩm. Khuyến khích, động viên người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ưu tiên sử dụng hàng Việt. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kết hợp hài hòa giữa các kênh thương mại hiện đại và phương thức phân phối truyền thống; cải cách thủ tục hành chính, rà soát, điều chỉnh chính sách gắn với tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hỗ trợ các công ty, DN, trước hết là DN vừa và nhỏ nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm có chất lượng, phát triển thị trường trong tỉnh, trong nước, quốc tế. Có chính sách bảo vệ thị trường hàng hóa trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Tổ chức các kỳ hội chợ triển lãm thương mại; đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; các đợt bán hàng khuyến mại, giảm giá hỗ trợ và phục vụ người tiêu dùng.
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: C.H
Dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã tặng bằng khen cho 24 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong Cuộc vận động giai đoạn 2019 - 2024.
CHƯƠNG HIẾU