Quy hoạch cây xanh đường phố cho Quy Nhơn
Cây xanh đường phố là một phần không thể thiếu của các đô thị, đặc biệt đô thị lớn như TP Quy Nhơn. Thành phố quy hoạch từng tuyến đường trên địa bàn trồng từ 1 đến 2 loại cây xanh.
“Hơn 10 năm trở lại Bình Định, ấn tượng của tôi là Quy Nhơn rất đẹp, trong lành và mát mẻ với biển một bên và cây xanh một bên. Tôi đã đến nhiều thành phố trong và ngoài nước, nhiều nơi phát triển hơn Quy Nhơn rất nhiều, nhưng độ đẹp, mát như Quy Nhơn thì… hiếm!” - đó là chia sẻ của bà Lê Thị Giàu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam - Canada, Chủ tịch Tập đoàn Thực phẩm Bình Tây khi đến thành phố cuối tháng 3.2024 dự hội nghị xúc tiến thương mại.
Vườn cây trên phố
Có thể chưa toàn diện, nhưng hiện Quy Nhơn là một trong số ít đô thị trong nước phủ được màu xanh trên nhiều không gian. Bởi thế, trong khi nhiều đô thị lớn “đau đầu” với vấn đề ô nhiễm không khí thời gian qua thì Quy Nhơn vẫn khá trong lành trong cảm nhận của người dân và du khách.
UBND TP Quy Nhơn đưa ra những thông số dẫn chứng cho điều trên. Đó là, tỷ lệ đất cây xanh đô thị của thành phố hiện đạt 13 m2/người. Trên 450 tuyến đường đã được phê duyệt quy hoạch chủng loại cây xanh được trồng trên vỉa hè đường phố. Cây xanh được trồng trên đường phố (gồm cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông) với diện tích 802.755 m2; cây xanh trong công viên, vườn hoa diện tích 390.808 m2; cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường, cùng các khu vực công cộng khác 723.456 m2…
Dải cây xanh đường Nguyễn Tất Thành và dọc hai bên như “rừng cây xanh trong thành phố”. Ảnh: N.DŨNG
Thành phố quy hoạch từng tuyến đường trồng từ 1 - 2 loại cây xanh. Quá trình đầu tư cải tạo vỉa hè các tuyến đường, thành phố kết hợp cải tạo, chỉnh trang cây xanh để đảm bảo đúng theo quy hoạch như tuyến An Dương Vương, Chương Dương, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Hồng Phong, Trần Cao Vân, Nguyễn Trãi, Ỷ Lan, dọc khu đô thị QL 19 mới… Khi cải tạo hạ tầng đô thị, nhất là dọc sông, hồ vài năm gần đây, thành phố cũng dành nhiều quỹ đất để trồng cây xanh dọc kè Sông Dinh, kè sông Hà Thanh, hồ Bàu Sen, hồ sinh thái Đống Đa…
Đặc biệt, dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành và khu vực xung quanh rợp bóng cây xanh. Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Quy Nhơn, nhấn mạnh hệ thống cây xanh đường Nguyễn Tất Thành và dọc hai bên đường Nguyễn Tất Thành có thể xem như “rừng cây xanh trong thành phố” mà hiện nay rất ít thành phố dành nhiều quỹ đất trung tâm nội thành để trồng cây xanh. Điểm nhấn chính là hệ thống cây xanh - cảnh quan khuôn viên Trung tâm Hội nghị tỉnh và Quảng trường Nguyễn Tất Thành với nhiều cây xanh cổ thụ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Đức Toàn, thời gian qua, các cấp, ngành của thành phố thường xuyên tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh; giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng thành phố ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, đưa Quy Nhơn trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách. Những kết quả này đã góp phần đưa Quy Nhơn lần thứ hai được vinh danh “Thành phố du lịch sạch ASEAN” tại diễn đàn du lịch Đông Nam Á 2024.
Thành phố đầu tư, phát triển hệ thống cây xanh sử dụng công cộng tại các đô thị, khu dân cư, không gian công cộng mang bản sắc, đặc trưng riêng gắn mục tiêu tỉnh Bình Định, TP Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị.
Cần lựa chọn cây xanh phù hợp
Cây xanh đô thị luôn là tâm điểm được dư luận xã hội quan tâm, bởi đó là một phần của tự nhiên không thể thiếu, gắn liền với đời sống thường ngày của người dân, nhất là đô thị phát triển “đặc sản” du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng như TP Quy Nhơn. Việc chính quyền lựa chọn trồng loại cây xanh đô thị sao cho phù hợp, nghiêm ngặt hơn để mảng xanh vừa phát huy được giá trị sinh thái, vừa bảo đảm sự bền vững cho quy hoạch chung vẫn là câu chuyện phải tính toán.
Từ cuối tháng 3, hàng cây sò đo cam dọc sông Hà Thanh nở hoa rực rỡ thu hút mọi ánh nhìn. Tuy nhiên, sò đo cam lại là loại cây trồng nằm trong danh mục 16 loại cây xanh cấm trồng trong đô thị được UBND tỉnh ban hành vào tháng 12.2023. Đây chỉ là một dẫn chứng cho việc cần thiết tính toán trồng cây xanh đô thị. Ở danh mục này, tỉnh cũng quy định cụ thể 31 cây trồng trong đô thị, 30 loại cây hạn chế trồng. Sở Xây dựng cho hay, cây xanh thuộc danh mục cấm trồng, địa phương xây dựng lộ trình loại bỏ, thay thế; còn cây xanh thuộc danh mục hạn chế trồng thì tiếp tục chăm sóc phát triển hoặc từng bước di chuyển đến vị trí thích hợp, thay thế.
Quy Nhơn đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đất cây xanh đô thị đạt 15 m2/người, trong đó cây xanh sử dụng công cộng đô thị đạt từ 7 m2/người. Theo đó, hằng năm dành khoảng 50 tỷ đồng cho đầu tư, chăm sóc hệ thống cây xanh.
“Thành phố sẽ lập phương án thay thế, trồng mới cây theo đúng quy hoạch chủng loại cây xanh trồng trên đường phố đối với cây xanh có từ trước nhưng không phù hợp. Trong đó, cũng đã có ý tưởng xây dựng những tuyến đường mang ý nghĩa gắn liền với văn hóa, lịch sử như đường Nguyễn Huệ và xung quanh Quảng trường Quang Trung quy hoạch trồng cây me ta. Hay, bước đầu trồng cây mai tại các dải phân cách đường Nguyễn Tất Thành, An Dương Vương, Tây Sơn, hoa viên đường Lê Thanh Nghị tạo điểm nhấn “thủ phủ” mai vàng mỗi dịp tết đến xuân về”, ông Hoàng cho biết thêm.
MAI HOÀNG