Giúp người khuyết tật không thấy đơn độc
Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và các chi nhánh của Trung tâm đã thực hiện tư vấn pháp lý hiệu quả cho nhiều người khuyết tật có khó khăn về tài chính; đặc biệt là tham gia tố tụng, đem lại công bằng và quyền lợi cho họ.
Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả nổi bật, nhất là về hoạt động tham gia tố tụng. Trong các vụ án hình sự, dân sự, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đều cử trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) tham gia từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử nhằm bảo vệ kịp thời quyền lợi chính đáng cho người khuyết tật.
Đội ngũ TGVPL đã nỗ lực giúp người khuyết tật vượt qua “rào cản” tâm lý tự ti, e dè, thiếu hiểu biết về pháp luật. Trong số họ, có những người bị khuyết tật về nghe, nói phải cần đến người phiên dịch thì TGVPL mới có thể hiểu, trợ giúp.
Chị Hồ Thị Yến, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ở TX An Nhơn, đến Trung tâm để được trợ giúp viên pháp lý tư vấn pháp luật. Ảnh: X.Q
Trung tâm đã tư vấn pháp luật miễn phí, giúp giải đáp những thắc mắc cho người khuyết tật, chấm dứt các vụ khiếu nại dai dẳng. Cụ thể, ông Phạm Phước Nhân (bị mù cả 2 mắt, ở xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn) và hàng xóm xảy ra tranh chấp tại một miếng đất. Cả 2 bên đều cho rằng đối phương lấn đất của mình và xảy ra kiện tụng. Đầu năm 2023, ông đến Trung tâm nhờ trợ giúp. Sau khi được nghe tư vấn viên phân tích, ông Nhân nhìn thấy được lỗi sai của mình, sau đó về nhà hòa giải với hàng xóm. Nhờ đó, 2 bên rút đơn khiếu nại và chung sống trong hòa bình.
Nhiều năm nay, bà Đinh Thị Lan Phương (người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ở xã Cát Sơn, huyện Phù Cát) bị hàng xóm lấn chiếm đất vườn để xây tường rào. Mỗi lần bị hàng xóm chửi rủa, bà Phương chỉ dám nhờ họ hàng đến can thiệp, nhưng sự việc không được giải quyết. Sau khi biết mình thuộc diện được TGPL miễn phí, năm 2023 bà tìm đến Trung tâm để được tư vấn.
Thông qua trò chuyện và được TGVPL động viên, bà Phương mạnh dạn đệ đơn ra tòa để lấy lại công bằng. Trong phiên tòa ngày 7.4.2023, với sự trợ giúp của TGVPL, bà Phương đã thắng kiện, buộc hàng xóm phải tháo dỡ tường rào trên đất nhà bà đúng với quy định của pháp luật. Hàng xóm còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho bà vì tội xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Bà Phương kể lại: “Là người khuyết tật, lại không được học hành nên tôi phải nhẫn nhịn nhiều năm qua. Mảnh đất mà ông bà để lại là tất cả những gì tôi có, nhờ mảnh đất ấy mà tôi có thể trồng rau, nuôi gà để bán kiếm tiền. Từ nay, tôi không còn phải chịu cảnh ấm ức vì hàng xóm lấn chiếm nữa”.
Không chỉ bảo vệ cho người bị hại, Trung tâm còn tham gia tố tụng có hiệu quả các vụ việc người khuyết tật là bị cáo trong các vụ án hình sự. Điển hình là trường hợp anh Nguyễn Văn Nghiệm (ở xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn) là người câm, điếc có liên quan đến một vụ TNGT, với sự trợ giúp của TGVPL đã được giảm nhẹ hình phạt. Cụ thể, ngày 21.1.2023, khi điều khiển xe máy về nhà, anh Nghiệm đã xảy ra va quẹt với xe máy của anh V.Q.P. (trước đó có sử dụng rượu, bia) trong lúc qua đường. Vụ va chạm đã khiến anh Nghiệm bị thương nặng, anh P. tử vong tại chỗ do chấn thương cột sống.
Tại phiên tòa, TGVPL tham gia bào chữa cho anh Nghiệm đã nêu ra các tình tiết để Hội đồng xét xử cân nhắc giảm nhẹ hình phạt, như anh Nghiệm là lao động chính trong gia đình có vợ cũng là người khuyết tật; sau khi xảy ra tai nạn, anh Nghiệm đã tỏ ra ăn năn, day dứt về hành vi của mình và bồi thường cho người bị nạn; anh có nhân thân tốt, làm ăn lương thiện và không có tiền án, tiền sự… Với những lý lẽ bào chữa đó, hội đồng xét xử đã chấp nhận đề nghị của TGVPL, chỉ tuyên phạt anh Nghiệm 24 tháng tù treo, bị giám sát trong thời gian thử thách.
Theo ông Lê Thành Trung, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, quan điểm bào chữa, bảo vệ của các TGVPL trong các vụ án đều được Hội đồng xét xử đánh giá cao và chấp nhận đề nghị của TGVPL về hướng giải quyết vụ án có lợi cho người được TGPL theo quy định của pháp luật. Đối với một số vụ án dân sự có tình tiết phức tạp, các TGVPL vẫn kiên trì liên hệ với các cơ quan, ban, ngành có liên quan để tìm hiểu, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi của người được TGPL.
“Công tác TGPL cho người khuyết tật là nhiệm vụ chính trị mang tính nhân văn sâu sắc. Việc thực hiện tốt công tác TGPL cho người khuyết tật đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, tạo chỗ dựa pháp lý vững chắc, giúp họ thấy mình không đơn độc và có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống”, ông Trung nói.
XUÂN QUỲNH