Vang ngon chẳng cứ đắt tiền
Tạp bút của THANH THẢO
Khi đứa cháu xã hội làm ở nhà máy lọc dầu Dung Quất biếu tôi một chai vang Antoine, tôi nghĩ ngay tới Antoine de Saint-Exupéry, nhà văn lớn của nước Pháp và thế giới, nhưng lại quên một điều: Antoine là tên Thánh hay một tên gì đó rất phổ biến ở Pháp. Tra Google, mới biết nhà văn quê ở ngay thành phố Lyone. St-Ex là niềm tự hào của Lyone, vì thế, nếu có lấy tên ông đặt cho một dòng vang nào đó sản xuất tại vùng trồng nho nổi tiếng là Thung lũng sông Rhône này thì cũng không lạ. Nhưng ở đây, không phải tôi muốn kể về nhà văn làm nên thương hiệu một dòng vang, mà lại là câu chuyện về địa lý, khí hậu và… thương hiệu.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Khi uống chai vang Antoine, tôi cảm nhận được vị mằn mặn. Tôi nói với Quốc Minh, đứa cháu mang rượu đến biếu, về vị mặn này mà tôi đoán là do vùng nho gần biển nên ảnh hưởng gió biển mang vị muối mặn. Quốc Minh cười: “Bác tinh quá. Đúng là vị rượu vang có hơi mặn, nhưng đó là do muối khoáng tích tụ từ trên các mỏm núi Alpes đấy bác ạ”. Tôi ngạc nhiên, người ta nói “thế giới rượu vang” quả không sai. Bản thân tôi gần như không biết gì về rượu vang, dù thích uống loại rượu này. Năm tháng trôi qua, cũng có chút ít trải nghiệm về vang, nhưng nói thật, kiến thức về rượu vang mênh mông quá, mình lại không chuyên nghiên cứu chuyện này, nên chủ yếu xét đoán theo cảm tính. Chai rượu vang nào mình uống thấy ngon thì khen ngon, thế thôi.
Cho đến khi gặp và chơi với cháu Quốc Minh, một kỹ sư trong ngành lọc hóa dầu, nhưng lại là người nghiên cứu về rượu vang cũng công phu và nghiêm cẩn như khi nghiên cứu về hóa dầu, tôi mới bắt đầu được vỡ vạc chút ít về rượu vang. Thứ nhất, chớ dại mà nghĩ rượu vang nào đắt tiền là ngon, còn rẻ tiền là… dở. Nhiều cửa hàng bán rượu vang cũng tạo cho mình cách nhìn nhận như thế. Nhưng theo Quốc Minh, cách nhìn nhận ấy chỉ đúng một nửa. Rượu vang đắt tiền, chắc chắn rất khó dở. Nhưng vẫn có nhiều loại rượu vang tuy rẻ tiền nhưng vẫn cứ… ngon. “Nếu không, thì những người ít tiền như bác cháu ta làm sao có cơ hội được rượu vang ngon ?”
“Nhưng làm sao biết rượu vang rẻ tiền mà… ngon?” Tôi thắc mắc.
Ở đây, lại phải cậy nhờ đến tri thức. Khi có tri thức về rượu vang, sẽ biết nho trồng ở vùng địa lý nào có những đặc tính ra sao, từ đó rượu vang cũng sẽ mang những đặc tính của nho.
Nghe cháu Minh nói, tôi mới biết vùng trồng nho Chile ở một phía Tây của dãy núi Andes. Mà là phía Tây nên vùng trồng nho Chile hứng trọn ánh mặt trời buổi chiều. Nếu ở phía Đông dãy núi Andes, ánh mặt trời buổi sáng dịu, ở đây sương sáng dày hơn, độ ẩm cao hơn, quả nho sẽ có độ đường và độ chát của vỏ nho kém hơn bờ phía Tây. Ngược lại, ở phía Tây dãy Andes thuộc Chile nắng gắt buổi chiều sẽ gắt hơn khiến quả nho sắt lại, độ đường cao, vỏ nho dày có độ chát cao hơn. Rồi đêm xuống, do địa hình Chile nằm dọc bờ biển Nam Thái Bình Dương nên gió biển nhiều, sương đậm, nhiệt độ hạ và ẩm độ tăng, lại khiến quả nho hấp thụ sương đêm, thêm một lần quả nho cảm nhận thay đổi thời tiết, khiến ruột quả như keo lại thêm khiến vị vang sẽ đậm đà hơn. Những người trồng nho Bồ Đào Nha giàu kinh nghiệm khi sang Chile mau chóng nhận ra nét thời tiết đặc biệt này thích hợp cho quả nho làm rượu ngon, và y như một lẽ đương nhiên họ trồng nho và làm rượu vang. Thế đấy. Lâu nay mình uống vang Chile cứ khen vang này ngon, đúng thật.
Chai vang Antoine mà tôi với Quốc Minh uống giá chỉ bốn trăm nghìn đồng. Nhưng rất ngon. Tôi có cảm giác, chai vang này được sản xuất bởi một chủ nhân chưa đủ tiền làm thương hiệu, nên giá bán mới “nhẹ” như thế. Vì tôi đã uống nhiều chai vang giá hơn 1 triệu đồng, chất lượng cũng chỉ như vậy, có khi còn thiếu sự độc đáo mà chai vang vùng Lyone này có được. Nhưng bây giờ, tạo dựng thương hiệu là một chuyện tốn vô số tiền và cần nhiều thời gian để tạo nền tảng bền vững.
Đến đây lại nhớ lý do vì sao lại viết bài này.
Xứ Bình Định vốn nổi tiếng với rượu Bàu Đá, nhưng cái sự làm thương hiệu đâu như rằng cứ tủn mủn, rời rạc và cầu âu. Thương hiệu không thể dựng lên chỉ nhờ một vài quyết định công nhận của nhà nước. Cũng không phải chỉ từ một vài hội đoàn, tổ chức nào đó tán dương, bình chọn mà thành. Mà quan trọng hơn hết thảy, nền tảng của nó là được người tiêu dùng chọn dùng và thị trường chấp nhận. Thiếu hai yếu tố này mọi thứ còn lại chỉ - nói như một thằng em xã hội khác của tôi - là phọt phẹt. Nghe đâu mấy năm gần đây Bình Định có thứ vang nếp sóng sánh vàng, vừa đẹp sắc, thơm hương, lại đậm vị nhưng mãi đến giờ ngay một xứ gần gần như Quảng Ngãi tôi đang ở, cũng chỉ nghe loáng thoáng. Vậy thì thương hiệu coi như chưa có gì.
Thật thú vị khi vang ngon chẳng cứ đắt tiền mà lại cho ta vô vàn hiểu biết…