Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 diễn ra từ ngày 15.4 - 15.5 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” là đợt cao điểm thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm.
Phối hợp quản lý, kiểm soát chất lượng thực phẩm
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh Bình Định về an toàn thực phẩm (ATTP), đánh giá, công tác kiểm tra ATTP trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường rất nhiều về số đợt, số lượng cơ sở được kiểm tra những năm gần đây. Ngoài tổ chức các đoàn liên ngành ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã vào 3 đợt cao điểm là tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, tết Trung thu, các cơ quan, đơn vị còn triển khai hậu kiểm, kiểm tra chuyên ngành, giám sát cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý. Lực lượng CA, quản lý thị trường cũng đã thực hiện kiểm tra, đấu tranh phòng chống tội phạm về ATTP. Việc xử lý vi phạm cũng kiên quyết hơn, cơ sở vi phạm được công khai.
Ngành y tế kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở có kinh doanh thực phẩm. Ảnh: M.H
Một trong những khó khăn, bất cập khiến việc kiểm soát chất lượng thực phẩm còn vướng mắc là công tác quản lý ATTP ở cơ sở. Ông Lương Văn Khánh, Trưởng Phòng Y tế huyện Phù Mỹ, nêu: Nhân lực làm công tác quản lý ATTP vừa thiếu vừa yếu. Với tuyến huyện thì nhân lực kiêm nhiệm từ 3 ngành y tế, kinh tế hạ tầng và nông nghiệp. Ở tuyến xã, theo Thông tư 17/2023/TT-BYT, văn phòng UBND xã quản lý công tác ATTP, song lực lượng bố trí ở một số địa phương không đúng, kiêm nhiệm nhiều việc và thay đổi liên tục. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung nguồn nhân lực đảm bảo cho công tác này.
“Mặt khác, cần tăng cường tập huấn cho đội ngũ làm công tác quản lý ATTP ở cơ sở. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Theo quy định hiện nay, các cơ sở tự cập nhật kiến thức, tuy nhiên chúng tôi thấy việc tự cập nhật là không hiệu quả bởi dễ làm qua loa, làm cho có”, ông Khánh nói.
Theo ông Nguyễn Tôi, Trưởng Phòng Y tế TX Hoài Nhơn, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thị xã khá nhiều, với trên 4.740 cơ sở, nhưng nhân lực phụ trách chuyên trách về ATTP còn mỏng và hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra xử lý những vụ việc quy mô lớn. Hoạt động của ban chỉ đạo ở cấp xã còn hạn chế về chuyên môn, lúng túng trong phát hiện hành vi vi phạm ATTP; công tác kiểm tra chủ yếu bằng cảm quan, rất khó để xác định chính xác lỗi vi phạm, thậm chí dễ vấp phải phản ứng của người dân khi lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.
Từ thực tế đó, ông Tôi đề nghị cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa các ngành chức năng như kinh tế, quản lý thị trường, y tế…; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thái độ hành vi của cộng đồng về ATTP, lựa chọn thực phẩm an toàn.
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học
Thông tin từ Bộ Y tế, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) làm 568 người mắc, 3 người tử vong. Gần đây, số vụ NĐTP tiếp tục gia tăng. Tại Bình Định, ông Nguyễn Văn Trung khẳng định chưa xảy ra vụ NĐTP. Dù vậy, đây vẫn là nguy cơ thường trực, không thể chủ quan mà cần bắt tay cùng nhau để kiểm soát chất lượng thực phẩm.
Các cấp, ngành đang triển khai đợt cao điểm về đảm bảo an toàn thực phẩm trường học, vì nơi đây có nguy cơ lớn về ngộ độc thực phẩm.
- Trong ảnh: Hàng quán tạp hóa trước một trường học ở TP Quy Nhơn. Ảnh: HỒ ĐIỂM
Các sở, ngành quản lý thực phẩm cũng đẩy mạnh công tác quản lý và phối hợp quản lý ATTP. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Chi cục phối hợp với các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thủy sản; giết mổ gia súc, gia cầm an toàn; chú trọng xây dựng vùng nông sản an toàn; tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm theo chuỗi, kiểm soát “đường đi” của nông sản, thực phẩm đến tay người tiêu dùng.
Toàn tỉnh có hơn 21.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống, phần lớn quy mô nhỏ lẻ. Hoạt động du lịch của tỉnh phát triển mạnh, từ đó cũng “nở rộ” cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học cũng khá lớn…
Trước tình trạng NĐTP xảy ra tại trường học ở một số tỉnh, ông Lê Ngọc Vịnh, Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT), cho hay: Ngành giáo dục tỉnh triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo ATTP trong trường học, quy định trách nhiệm của người đứng đầu như trưởng phòng GD&ĐT cấp huyện, hiệu trưởng trường THPT. Tại bếp ăn tập thể của các trường, đặc biệt khối trường phổ thông dân tộc nội trú, luôn tuân thủ nguyên tắc ATTP và có sự kiểm tra, giám sát của nhân viên y tế trường học. Ngày 5.4, Sở GD&ĐT đã có yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh việc học sinh ăn quà vặt trước cổng trường.
“Tuy nhiên, địa phương cần có giải pháp quản lý, hạn chế tình trạng hàng rong bán quà vặt trước cổng trường, đây là mối nguy cơ rất lớn”, ông Vịnh kiến nghị.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh, Sở Y tế - Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP, đã đề nghị ngành y tế, giáo dục và UBND cấp huyện triển khai một đợt cao điểm về đảm bảo ATTP, trong đó chú trọng đảm bảo ATTP trường học.
Trong đó, ngành giáo dục tăng cường kiểm tra ATTP bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, căn tin nhà trường. Nghiêm cấm các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không bảo đảm quy định ATTP, không có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho học sinh…
Cấp huyện kiểm tra, giám sát ATTP tại bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn phục vụ trường học, quán ăn đường phố xung quanh khu vực trường học. Cấp xã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tại nhóm trẻ, điểm giữ trẻ, điểm dạy kèm có tổ chức bếp ăn tập thể; cơ sở thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống, hàng rong trước cổng trường học.
MAI HOÀNG