“Ý chí chiến đấu” trên quê hương Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng
Tại khu lăng mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) có dòng chữ “Hãy giữ vững ý chí chiến đấu” - đây là lời căn dặn cuối cùng của Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đối với các chiến sĩ bấy giờ. Hôm nay trên mảnh đất Đức Thọ, ý chí của người chiến sĩ năm xưa vẫn như một lời di huấn, trở thành sức mạnh đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nhiều năm qua, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh được biết đến là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, khu dân cư mới kiểu mẫu. Cái mới ở Tùng Ảnh, Đức Thọ không đơn thuần là những con đường hoa ngào ngạt hương thơm, hay màu sắc lung linh trong nắng của những mái ngói đỏ tươi mà chính là "ý chí", niềm tin trong mỗi người dân Đức Thọ - điều khiến những đứa trẻ trong làng đến người già như ông Mai Xuân Tam luôn tự hào, phấn khởi.
Ông Mai Xuân Tam nói: " Tùng Ảnh là quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên. Cho nên nhân dân Tùng Ảnh trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu thì phong trào, tinh thần nhân dân vui vẻ, hồ hởi, đặc biệt là hoàn toàn tự giác. Đặc biệt thôn Đồng Thái là 1 trong 20 làng khoa bảng của cả nước, cho nên rất là khí thế trong xây dựng nông thôn mới, đột phá là mở rộng đường nông thôn với hình thức hiến đất, phá tường rào, cây cối, các công trình phụ trợ gia đình để làm mới".
Những đoàn người về viếng Tổng Bí thư Trần Phú. (Ảnh: khuditichtranphu.vn)
Cố Tổng Bí thư Trần Phú sinh ngày 1.5.1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nguyên quán tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Lớn lên trong gia đình trí thức, đồng chí sớm tham gia phong trào cách mạng. Năm 1925, đồng chí cùng một số người Việt Nam yêu nước sáng lập Hội Phục Việt, sau đổi là Hội Hưng Nam rồi lại đổi thành Việt Nam cách mạng Đảng. Đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, nổi tiếng với câu nói: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu".
Dâng hương, tưởng niệm, tri ân đồng chí Trần Phú. (Ảnh: khuditichtranphu.vn)
"Ý chí chiến đấu" của Tổng Bí thư Trần Phú năm xưa đã và đang được người dân Đức Thọ xem như niềm tự hào, sức mạnh đoàn kết toàn dân, hăng hái chung tay lao động sản xuất. Đáng chú ý là phong trào thi đua 120 ngày cao điểm chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, huy động sức mạnh của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, làm nên 120 công trình, phần việc có giá trị và ý nghĩa lớn lao đối với địa phương, quê hương cố Tổng bí thư đầu tiên của Đảng. Trên khắp các tuyến đường, thôn xóm, trường học… đâu đâu cũng nhộn nhịp không khí lao động sản xuất, thi đua học tập, rèn luyện, bằng những công trình, phần việc ý nghĩa.
Người dân Đức Thọ lấy đó làm tự hào, phát huy: "Đổi mới của quê hương rất là kỳ tích, rồi đây kỷ niệm 120 ngày sinh của ông, công trình càng mới càng nhiều. Gia đình rất tự hào, luôn luôn chăm lo cảnh đẹp để du khách đến xem thay đổi của địa phương, quê hương mà lấy kỷ niệm của Tổng Bí thư Trần Phú để làm"- một người dân ở xã Tùng Ảnh bày tỏ.
Khu mộ đồng chí Trần Phú, nhìn từ trên cao.(Ảnh: khuditichtranphu.vn)
"Chúng tôi họp bàn đưa ra kế hoạch thực hiện 120 ngày cao điểm, thực hiện xong các phần việc như chỉnh trang khuôn viên nhà văn hoá, hệ thống đường làng, ngõ xóm, cắt tỉa, trồng đắp các tuyến đường hoa… đạt đúng kế hoạch" - một người dân huyện Đức Thọ khác.
Tấm gương, khí tiết người cộng sản của Cố Tổng Bí thư Trần Phú luôn tỏa sáng, động viên, cổ vũ Đảng bộ và nhân dân Đức Thọ tiếp tục phát huy truyền thống, kiên định, vững vàng niềm tin theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và các bậc tiền bối đã lựa chọn, vươn lên đạt những thành tựu to lớn trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng quê hương giàu đẹp.
Với tinh thần xung kích, tình nguyện, tuổi trẻ huyện Đức Thọ tham gia di dời, cắt tỉa cây xanh, phát quang và vệ sinh môi trường tại khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú. (Ảnh: khuditichtranphu.vn)
Ông Trần Quốc Dũng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Thọ cho biết, kỷ niệm 120 năm ngày sinh đống chí Trần Phú - 120 ngày cao điểm - 120 công trình, phần việc…là để nhắc nhớ chúng ta về những giá trị to lớn mà Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã để lại cho Tổ quốc. Đến thời điểm này, huyện Đức Thọ đã có 120 công trình, phần việc được triển khai tại 16/16 xã, thị trấn, các cơ quan, trường học. Trong đó, 80 công trình ở các xã, thị trấn, 40 công trình cấp huyện và các cơ quan, trường học, với tổng kinh phí trên 230 tỷ đồng.
Ông Trần Quốc Dũng chia sẻ: "Phong trào thi đua có thể nói hết sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân rất rõ nét. Trước hết là qua phong trào thì khơi dậy lòng tự hào của quê hương Tổng Bí thư Trần Phú, hiểu về sự nghiệp; qua phong trào đó thì gắn với phát triển kinh tế xã hội, người dân đã vào cuộc để thi đua các phong trào cao điểm, phục vụ xây dựng các công trình phần việc, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là công trình phục vụ dân sinh".
Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú. (Ảnh: khuditichtranphu.vn)
Tiếp bước truyền thống cách mạng, các thế hệ con em trên quê hương cố Tổng Bí thư đã không ngừng nỗ lực, vươn lên học tập, lao động và xây dựng quê hương. Đến nay, toàn huyện có 418 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; 6 thầy thuốc nhân dân, 22 thầy thuốc ưu tú; 42 sĩ quan cấp tướng; 7 đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng; 32 đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ; 6 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 8 Anh hùng lao động…
Đức Thọ đã trở thành điểm sáng của tỉnh Hà Tĩnh trong xây dựng NTM. Những con đường trải rộng khang trang, những khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp và hơn cả là ý chí, tinh thần, những bước chân không biết mệt mỏi đã và đang đi trên con đường ấy - con đường của ý chí, nghị lực và niềm tin mà người chiến sĩ cộng sản - Tổng Bí thư Trần Phú đã truyền lại cho lớp lớp thế hệ hôm nay.
Theo Sỹ Đức (VOV1)