Tọa đàm “Giao thoa lịch sử và ký ức Việt - Pháp về Điện Biên Phủ”
Hai dân tộc Việt Nam và Pháp đã cùng nhau nỗ lực vượt qua những thăng trầm của lịch sử, góp phần đưa quan hệ giữa 2 quốc gia ngày một vững chắc, cùng nhau hướng về tương lai tươi sáng.
Ngày 13.4 tại Trung tâm văn hóa Việt Nam ở Thủ đô Paris, Pháp, Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "Giao thoa lịch sử và ký ức Việt - Pháp về Điện Biên Phủ" nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sự kiện đã thu hút sự tham gia của gần 200 khách mời, trong đó có sự hiện diện của nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử, chính trị, ngoại giao, bạn bè Pháp yêu mến Việt Nam và đại diện bà con kiều bào sinh sống tại Pháp.
Đặc biệt, tọa đàm lần này có sự tham dự của cựu binh Pháp William Schilardi cùng cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Claude Blanchemaison và cựu Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM Gerard Boivineau.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Anh Tuấn
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ "vang dội năm châu, chấn động địa cầu" đang đến gần, mọi viết thương đều đã lành, thay thế bằng tình bạn và hòa bình nhưng những ký ức về Điện Biên Phủ vẫn còn sống mãi.
"Các bạn đã đem đến cho tọa đàm những góc nhìn khác nhau, thậm chí là đối lập, nhưng tất cả đều chia sẻ một giá trị chung, đó là khát vọng hòa bình, bảo tồn và củng cố hòa bình mãi mãi. Nhân dân Việt Nam luôn ý thức rằng tình đoàn kết quốc tế, đặc biệt là sự ủng hộ to lớn mà nhân dân Pháp dành cho nhân dân Việt Nam trong công cuộc giành lại độc lập và hòa bình là cơ sở vững chắc để xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác gắn kết Pháp - Việt Nam ngày nay", Đại sứ Việt Nam tại Pháp cho biết.
Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp - ông Taylan Coskun. Ảnh: Anh Tuấn
Ông Taylan Coskun, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp (PCF) bày tỏ sự ngưỡng mộ về ý chí của nhân dân Việt Nam quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
"Chúng ta tề tựu tại đây, để cùng nhau nhớ lại những ký ức về một cuộc chiến đấu, mà ở đó cả dân tộc Việt Nam chung tay vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây là một trận chiến kéo dài 56 ngày đêm, với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ, sĩ quan, y tá bác sĩ, nhà báo và cả những đoàn văn công", ông Taylan Coskun cho biết.
Theo giáo sư Pierre Journoud, giảng viên chuyên ngành Lịch sử đương đại, Đại học Paul-Valéry Montpellier 3, chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của sự đồng lòng của nhân dân Việt Nam, là thành quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao.
Giáo sư Pierre Journoud, giảng viên chuyên ngành Lịch sử đương đại, Đại học Paul-Valéry Montpellier 3. Ảnh: Anh Tuấn
Ông cho biết, chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của chiến lược quân sự đỉnh cao được hoạch định bởi Bộ Chính trị, bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là sự kết hợp thống nhất và hiệu quả giữa 3 mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao. Ngoài ra, chiến thắng này còn là biểu tượng của sự đồng lòng của toàn dân tộc, không chỉ những người lính mà toàn thể các tầng lớp xã hội hy sinh thân mình để vận chuyển đạn dược, nhu yếu phẩm và thuốc men, sửa chữa đường xá…
Chia sẻ cùng quan điểm với giáo sư Pierre Journoud, ông Éric Coudray, Phó giáo sư Lịch sử và Địa lý tại trường Gabriel Fauré d'Annecy, Tiến sĩ Lịch sử đương đại, khẳng định Quân đội nhân dân Việt Nam tại thời điểm đó không có nhiều lợi thế về lực lượng và khí tài hiện đại như lực lượng viễn chinh Pháp, nhưng lại giành được những thắng lợi chấn động địa cầu.
Theo ông, sự thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ là điều bất ngờ với đối với nhiều người Pháp, nhưng đối với lực lượng viễn chinh Pháp, đây là điều đã được dự đoán trước. Quân đội nhân dân Việt Nam, với xuất phát điểm chỉ vài nghìn người vào năm 1945 với trang bị thô sơ và lạc hậu, đã nhanh chóng trưởng thành thành một đội quân hiện đại, chỉnh tề và hiệu quả. Trong khi đó, quân đội Pháp đã trở nên chán chường với một cuộc chiến không thuộc về nước Pháp.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Anh Tuấn
Theo quan điểm của cựu phóng viên báo Nhân đạo (L’Humanité) thường trú tại Việt Nam từ 1980-1986, Daniel Roussel, chiến thắng của Việt Nam trên trận địa Điện Biên Phủ đã mang lại những hy vọng cho các dân tộc thuộc địa.
"Chiến thắng Điện Biên Phủ của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và quân đội nhân dân Việt Nam không bao hàm yếu tố may mắn. Khi tướng Giáp quyết định tổng tiến công, ông hoàn toàn nắm chắc chiến thắng. Và chiến thắng Điện Biên Phủ đã vượt qua khuôn khổ một cuộc chiến, đánh dấu kết thúc của thời kỳ thực dân, ảnh hưởng vang dội đến các quốc gia đang chịu ách đô hộ của thực dân, cụ thể là các dân tộc tại lục địa đen, Bắc Phi, Nam Mỹ", cựu phóng viên cho biết.
Ông Éric Coudray, Phó giáo sư Lịch sử và Địa lý tại trường Gabriel Fauré d'Annecy, Tiến sĩ Lịch sử đương đại phát biểu ý kiến tại sự kiện. Ảnh: Anh Tuấn
Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là nguồn cảm hứng cho nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có nhà thơ, nhà văn Cameroon, Marc Alexandre Oho Bambe, người đã sáng tác cuốn tiểu thuyết Điện Biên Phủ vào năm 2018 kể về câu chuyện tình yêu và tình bạn trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam.
70 năm đã qua, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn mãi vang dội. Những cảm xúc về sự hy sinh, sự đồng lòng của cả một dân tộc vẫn đồng hành cùng toàn thể những người con xứ Việt.
Theo Anh Tuấn (VOV)