Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số
Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030 có trên 95% người dân tham gia BHYT; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc tại y tế cơ sở được BHYT chi trả và trên 95% dân số được quản lý sức khỏe
Phấn đấu đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo hoặc tập huấn về chuyên môn. Nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ cho nhân lực y tế cơ sở tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc. Có chính sách đột phá để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở, nhất là vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.
Người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Trung tâm Y tế huyện K.rông Pắc, tỉnh Đắk Lắk (ảnh minh họa)
Chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật; đẩy mạnh quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; thực hiện quản lý sức khỏe người dân tại gia đình và cộng đồng. Sớm hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe toàn diện.
Cùng với đó, phát triển mô hình bác sĩ gia đình, thiết lập hệ thống chuyển tuyến chuyên môn linh hoạt. Xây dựng quy định việc chuyển tuyến chuyên môn trong KCB phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Người dân khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Ea Yieng, huyện K.rông Pawk, Đắk Lắk
Triển khai đồng bộ hệ thống Công nghệ thông tin trong hoạt động của y tế cơ sở; đẩy mạnh chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin, tăng cường kết nối giữa y tế cơ sở với y tế tuyến trên và người dân trong tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; thống kê, quản lý dữ liệu về y tế cơ sở thống nhất với hệ thống y tế trong cả nước, gắn với bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân, thông tin cá nhân.
Theo Kim Thanh (VOV1)