Khẩn cấp ngăn chặn dịch cúm A/H5N6 lan rộng
Chiều 4.9, trước tình hình diễn biến phức tạp và lan rộng của dịch cúm A/H5N6 khi một số xã thuộc hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Ngãi đã ghi nhận sự xuất hiện của loại virus nguy hiểm này, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công điện gửi Sở Y tế 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Ngãi, đề nghị chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo đó, cơ quan y tế phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương nơi có ổ dịch cúm A/H5N6 tiến hành các biện pháp tiêu trùng khử độc, xử lý triệt để ổ dịch. Tăng cường giám sát và lấy mẫu giám sát virus cúm trên gia cầm tại khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt tại các điểm thu gom, buôn bán gia cầm và chăn nuôi tập trung để phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch, phòng tránh lây nhiễm từ gia cầm sang người. Tăng cường các hoạt động kiểm soát và xử lý gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Lưu ý đối với các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng hoặc viêm phổi nặng do virus có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh, chết cần được lấy mẫu bệnh phẩm gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm phát hiện cúm A/H5N6 và các loại cúm độc lực cao khác. Cục Y tế dự phòng 2 địa phương trên tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm A/H5N6 từ gia cầm sang người, vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm bệnh, chết và chất thải từ gia cầm. Chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Như vậy, sau khi lần đầu tiên phát hiện virus cúm A/H5N6 trên một số đàn gia cầm, thủy cầm nuôi ở Lạng Sơn và Hà Tĩnh vào giữa tháng 8-2014, loại virus nguy hiểm này đã lây lan tới Lào Cai, mới đây nhất là tỉnh Quảng Trị và Quảng Ngãi. Theo Cục Y tế dự phòng, chủng virus cúm A/H5N6 trước đó từng được phát hiện ở vịt trời và chim hoang dã tại Thụy Điển, Đức, Mỹ, lãnh thổ Đài Loan. Đáng lưu ý, kết quả xét nghiệm bằng giải trình tự gien của các mẫu virus cúm A/H5N6 phát hiện ở Việt Nam thấy có sự tương đồng đến 99% với chủng cúm A/H5N6 gây mắc và tử vong đầu tiên trên người tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) vào tháng 4-2014 và trên đàn gia cầm ở khu vực bệnh nhân sinh sống. Cúm A/H5N6 là chủng virus có độc lực cao và chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người, nên việc theo dõi, giám sát diễn biến của chủng virus mới cần được thực hiện chặt chẽ để có ứng phó kịp thời khi dịch bùng phát trên gia cầm.
* Bộ NNPTNT cũng có công điện yêu cầu các địa phương và các bộ, ngành triển khai nghiêm túc công điện khẩn số 6529/CĐ-BNN-TY ngày 14.8.2014 của Bộ NNPTNT.về việc tăng cường các biện pháp chống dịch cúm gia cầm H5N6 và các chủng virus cúm gia cầm khác.
Nội dung công điện yêu cầu các địa phương cần kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch và kiên quyết chống dịch đến tận thôn, ấp và tập trung vào các địa bàn nguy cơ cao. Địa phương cũng cần tăng cường giám sát để phát hiện sớm ổ dịch và chủ động dập dịch, ngăn chặn việc đưa gia cầm, các sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch.
Công điện cũng yêu cầu các địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, đối với các địa phương biên giới, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm yêu cầu không cho phép mọi hình thức buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt, không còn khả năng lây lan dịch bệnh, không qua kiểm dịch và nguồn gốc. Lệnh cấm này áp dụng với cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới.
Công điện khẩn cũng yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm phòm vaccine cúm gia cầm ở các địa bàn nguy cơ cao, phù hợp với các chủng virus cúm gia cầm đang được lưu hành theo hướng dẫn của Cục Thú y (Bộ NNPTNT).
Theo Quốc Lập (SGGP), VGP