Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng: Mạch nguồn nghìn năm văn hiến
Trong tâm thức dân tộc Việt Nam, Hùng Vương là vị quốc tổ dựng nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang đậm giá trị nhân văn về tinh thần tự hào dân tộc và lòng yêu nước, là cầu nối tâm linh gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, thể hiện triết lý “con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn” mãi chảy trong mạch nguồn văn hiến ngàn năm.
Hằng năm, cứ đến ngày 10.3 âm lịch, người dân trên khắp mọi miền đất nước và kiều bào ở nước ngoài cùng hướng về ngày Quốc Tổ - Giỗ Tổ Hùng Vương. Nhân dịp này, TS Võ Minh Hải, Phó Trưởng khoa Khoa học - Xã hội và nhân văn (Trường ĐH Quy Nhơn), đã có cuộc trao đổi với PV Báo Bình Định về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ghi chép qua tư liệu Hán Nôm, cũng như nét đặc sắc của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
• Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một hình thức thờ tổ độc đáo, ông có thể cho biết về cội nguồn của tín ngưỡng này được ghi chép trong các thư tịch Hán Nôm?
- Các thông tin về Hùng Vương đã được các sử gia biên chép trong các bộ quốc sử của nước ta, như: Đại Việt sử ký, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục... Các triều đại trước, sau đều có sắc phong và thực hiện các nghi thức tế lễ rất trang trọng, có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, khẳng nhận về cội nguồn của dân tộc, đất nước Việt Nam chúng ta. Vì thế, hoạt động tế cúng Hùng Vương có thể được xem là một nghi thức vừa truy niệm tổ tiên của cộng đồng làng xã, vừa thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tiên vương mà các triều đại phong kiến Việt Nam quan tâm thực hiện.
Theo một số tài liệu khảo cứu cho thấy, hoạt động tế thần Lúa, thần Mặt trời của người Việt thời Văn Lang rất thịnh hành. Khi ấy, các Vua Hùng đã chọn núi Nghĩa Lĩnh (nay thuộc TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) - ngọn núi cao nhất vùng - làm nơi thực hiện những nghi lễ cúng tế theo tín ngưỡng dân gian thời bấy giờ. Sau này, để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, người dân và triều đình lập đền thờ tại ngọn núi Nghĩa Lĩnh. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân hình thành nên tín ngưỡng thờ Hùng Vương với hình thức tế tự quốc tổ của cả cộng đồng dân tộc Việt qua bao thế hệ trong lịch sử.
• Ngày giỗ Vua Hùng được các triều đại phong kiến nước ta coi như ngày quốc lễ. Ông có thể phân tích rõ hơn?
- Việc định chế hoạt động tế cúng Hùng Vương có lẽ khởi phát từ thời Tiền Lê, được biên chép khá kỹ trong Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền tự điển (soạn năm Thiên Phúc nguyên niên, thời Lê Đại Hành). Việc tế tự được thực hiện thường xuyên và liên tục có thể bắt đầu từ triều vua Lê Thánh Tông. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông cho lập Hùng Vương ngọc phả; từ đó, việc thờ cúng Hùng Vương trở thành chính thống.
Tư liệu Hán Nôm về Hùng Vương ở đền Vân Luông (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Ảnh chụp từ sách Hùng Vương thánh tổ ngọc phả
Đến triều Nguyễn, năm 1874, vua Tự Đức lệnh cho Tổng đốc Tam Tuyên Nguyễn Bá Nghi xây dựng lăng Hùng Vương cạnh Đền Thượng (Phú Thọ), đồng thời cấp tiền và cử quan lại giám sát việc tu sửa, mở rộng đền. Năm 1917, dưới triều Khải Định, Bộ Lễ gửi công văn ghi ngày 25.7 phái quan hàng tỉnh của Phú Thọ lấy mùng 10.3 âm lịch hằng năm để cử hành “quốc tế”. Từ đó về sau trở nên phổ biến trong cộng đồng làng xã và phát triển mạnh thành một hoạt động tâm linh quan trọng.
• Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xưa và nay được vun đắp như thế nào, thưa ông?
- Dân tộc nào trên thế giới cũng đều có nguồn cội của mình, nhưng người Việt Nam khác các dân tộc khác ở chỗ cùng thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng, tín ngưỡng Hùng Vương là một biểu tượng của quốc gia. Chính điều này tạo nên một bản sắc riêng có của Việt Nam, được UNESCO ghi danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012.
Các triều đại phong kiến ngày xưa và chúng ta ngày nay đều tôn ngưỡng Hùng Vương là vị tổ của dân tộc, là yếu tố đã gắn kết cộng đồng trên một không gian lãnh thổ để trở thành một cộng đồng có sức mạnh, tồn tại, phát triển và giữ vững được bản sắc văn hóa.
Thông qua các nghi thức cúng tế Hùng Vương, mỗi người dân Việt Nam muốn hướng việc xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất của cộng đồng 54 dân tộc. Điều này đã kiến tạo nên sức mạnh vĩ đại giúp chúng ta vững chãi đi qua bao nhiêu cơn biến thiên của lịch sử, bảo vệ và phát huy tốt tinh thần độc lập dân tộc, tinh hoa văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa cho đến ngàn sau.
• Ngày Giỗ Tổ là dịp để mỗi người dân Việt Nam ngưỡng vọng công ơn các vị tiên tổ Vua Hùng, hướng về nguồn cội dân tộc, còn là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc nghìn đời bền vững. Ông có thể chia sẻ về điều này?
- Đây là một hoạt động đặc biệt, có ý nghĩa quốc gia và giá trị tinh thần to lớn. Trách nhiệm của chúng ta là phải duy trì, phát huy tín ngưỡng dân tộc này, góp phần phát triển tinh thần đoàn kết, hướng về cội nguồn ấy thành sức mạnh nội sinh vượt qua khó khăn, giữ gìn di sản, ghi nhớ công đức tổ tiên.
Trường THPT Hùng Vương (TP Quy Nhơn) duy trì tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm để giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Để làm được điều ấy, ở Bình Định mình nên có những hoạt động thiết thực để cho thế hệ trẻ hiểu và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, như: Tổ chức trưng bày chuyên đề về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; lồng ghép giáo dục di sản cộng đồng về tín ngưỡng Hùng Vương trong chương trình giáo dục địa phương; hình thành các hoạt động, tour du lịch về nguồn; rèn luyện các kỹ năng thực hành văn hóa thông qua hoạt động tế lễ Hùng Vương…
Cũng cần nói thêm, hiện nay trên địa bàn TP Quy Nhơn, Trường THPT Hùng Vương là một trong những đơn vị giáo dục rất quan tâm và làm tốt công tác giáo dục học sinh về tín ngưỡng thờ Hùng Vương, mong điểm sáng này sẽ được nhân rộng và lan tỏa, tạo thành điểm nhấn văn hóa cho hoạt động giáo dục trong tỉnh.
• Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)