Giỗ Tổ & câu chuyện “uống nước nhớ nguồn”
Câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba” đã in sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam không biết từ bao giờ, điều đó cho thấy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là nét đẹp văn hóa thể hiện sinh động truyền thống ấy.
Ngày 19.9.1954, tại Đền Hùng, Bác Hồ căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Hằng năm, đến mùng 10.3 âm lịch, nhân dân ta tưởng nhớ, bày tỏ lòng tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng - những vị vua đầu tiên của dân tộc, cùng các bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành ngày giỗ chung, kính ngưỡng tổ tiên chung của toàn dân tộc.
Theo các nhà nghiên cứu, quá trình hình thành và phát triển của vùng Đất Tổ có những tác động tới sự hình thành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà nguồn cội là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, thể hiện từ cội rễ là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hiếu kính ông bà, cha mẹ, tổ tiên, giống nòi. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong đời sống tâm linh, mang giá trị tinh thần sâu sắc về lòng tự hào dân tộc để đưa dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tồn tại và phát triển.
Đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là giá trị giáo dục đạo đức truyền thống. Vua Hùng được coi là biểu tượng - vị Tổ dựng nước của cả dân tộc Việt. Cùng với các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nhiều hình thức biểu hiện phong phú, đa dạng, gắn liền với phong tục làng xã, tập quán người Việt xưa và bây giờ, đó là sợi dây tinh thần kết nối cộng đồng, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
“Vô cổ bất thành kim” (có xưa mới có nay), việc giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được quan tâm, đặc biệt về tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng. Ở Bình Định, có một số cộng đồng dân cư, trường học, đơn vị tổ chức Giỗ Tổ vào ngày mùng 10.3 âm lịch, mặc dù chưa được phổ biến như các nơi khác, nhưng ngày Giỗ càng ngày càng đầy đặn thêm, đó là điều đáng ghi nhận. Nét đẹp văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cần được quan tâm hơn nữa trong việc giáo dục cho người dân, đặc biệt là giới trẻ hiểu hơn về cội nguồn dân tộc; trong đó, vai trò giáo dục của nhà trường cho học sinh, sinh viên là rất quan trọng. Có thể trong các tiết học hiện nay, cần đưa thêm nội dung giáo dục về Hùng Vương vào chương trình giáo dục phổ thông, tổ chức dạy ngoại khóa cho học sinh khi đến bảo tàng, các di tích văn hóa, lịch sử có nhấn mạnh về Vua Hùng; cũng như lan tỏa tổ chức những lễ Giỗ Tổ ở địa phương để giáo dục nhân dân lòng yêu nước, ý thức nguồn cội “con Lạc, cháu Hồng”…
Trong nhộn nhịp vui tươi của những ngày Giỗ Tổ ta lại càng thêm nhớ, khắc ghi lời Bác Hồ căn dặn: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Lời Bác giản dị nhưng gói trọn cả tình đoàn kết và niềm tự hào thiêng liêng của tất cả những người dân Việt.
BẢO MINH