Kể chuyện “Quốc giỗ”
Năm ngoái, tôi có dịp tham gia Lễ hội Đền Hùng tại Phú Thọ. Thấy lễ hội được tổ chức trang trọng, lớp lớp cháu con khắp mọi miền về trẩy hội, lòng tôi mong ước nơi nào cũng quan tâm đến ngày Giỗ Tổ như vậy thì hay biết mấy. Thế rồi, thật vui mừng khi biết một số địa phương ở Bình Định, câu chuyện làm “Quốc giỗ” đã thành nếp trong đời sống cộng đồng.
Câu chuyện ăn Giỗ Tổ có khởi nguồn khá giản dị ở xóm nhỏ Sơn Lãnh, thôn Thạch Bàn Tây, xã Cát Sơn (huyện Phù Cát). Trước kia, chẳng ai quan tâm đến những ngày lễ vì bận bịu với mùa màng. Khi con cái ở xa trở về nhân dịp nghỉ lễ, các nhà tranh thủ nấu ăn để “bồi dưỡng” cho con có sức khỏe lên thành phố học. Lâu dần, họ có ý thức về ngày Quốc giỗ thông qua chuyến trở về của lũ trẻ. Hằng năm, cứ đến ngày 10.3 âm lịch, khi tiếng gà quác, tiếng heo kêu khuấy động cả một vùng, cũng là lúc nhiều nhà túm tụm chuẩn bị Giỗ Tổ.
Bà Đinh Thị Nhơ (ở thôn Thạch Bàn Tây) cho biết: “Lớp trẻ được đi học nên hiểu về truyền thống ngày Giỗ Tổ. Mỗi dịp về nhà, các cháu lại kể chúng tôi nghe không khí chào đón ngày Giỗ Tổ khắp nơi. Từ đó, chúng tôi coi trọng ngày này, chỉ mong mỗi năm mùa màng bội thu để có thể tổ chức ngày Giỗ Tổ thêm phần xênh xang”.
Tại một xóm nhỏ ở làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh), cứ độ ngày 10.3 âm lịch, nhà nào nhà nấy lại chuẩn bị mâm cơm có phần thịnh soạn để thết đãi mọi người.
Những ngày đầu tháng 3 âm lịch, nhà chị Đinh Y Lan (làng Hà Ri) đã lo chuẩn bị cho ngày sum họp. Trong các kho chứa lúa, chị Lan đã dành phần riêng những quả bí to, vài chục trứng gà so để con cái về nhà “ăn giỗ”. “Năm nay, ngày Giỗ Tổ rơi vào thời điểm sau khi thi giữa kỳ nên cháu lớn đang học đại học được về nhà lâu hơn. Cứ đến ngày này, nhà nào có món ngon đều đem qua góp vui để cùng nhau tụ họp, quây quần một bữa”, chị Lan kể.
Khu phố 2, phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn) là nơi tập trung nhiều người con gốc đất Tổ. Có lẽ không khí của lễ hội Đền Hùng quê cha đã ăn sâu vào trong tiềm thức, dù cho rời quê đến sinh sống ở phương xa, họ vẫn khắc ghi ngày Giỗ Tổ. Bà Phan Vĩnh Thụy Hiền (quê gốc ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho hay, hằng năm dịp này nhà bà đều bày biện mâm cỗ, thành kính tưởng nhớ tổ tiên, cũng như bày tỏ nỗi nhớ, tình yêu với quê cha đất Tổ. “Mâm cỗ có khi chỉ đơn giản là đĩa trái cây, xôi và vài món mặn. Sau khi dâng hương ngưỡng vọng tổ tiên, những người trong khu phố hầu hết là đồng hương với nhau sẽ cùng ngồi lại ăn cỗ, kể nhau nghe về không khí lễ hội mà thủơ bé được mẹ dắt đi xem”, bà Hiền kể.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có ngày Giỗ Tổ để tưởng nhớ đến tổ tiên. Tuy việc tổ chức Giỗ Tổ ở mỗi địa phương có khác nhau về quy mô, cách thức, song tấm lòng thành kính của người dân mới là điều đáng trân trọng. Chỉ mong rằng mãi mãi về sau, người người, nhà nhà vẫn khắc ghi: “Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”.
XUÂN QUỲNH