Con gái mà gả chồng gần
Tạp bút của PHẠM THỊ HIỀN
Gần tới đợt nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương, phòng ban nào cũng ngấm ngầm chộn rộn chuyện sẽ làm gì trong đợt nghỉ này và đợt nghỉ kế tiếp vào cuối tháng. Giỗ Tổ được nhiều người mặc định là Giỗ Cha, tất nhiên đã nghĩ đến cha thì xê xế đó sẽ là Mẹ. Riêng tôi giữa những cuộc chộn rộn ấy tôi cứ cười cười tán thưởng, không tham gia ý kiến và không dám chia sẻ rằng mình đang có một dòng suy nghĩ rất lạc quẻ, tôi đang nhớ nghĩ về mẹ mình và rồi sẽ tỏa lan sang các bà mẹ nói chung. Năm nào cũng vậy, cứ gần đến đợt nghỉ là tôi lại lan man.
“Con gái mà gả chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng mang sang”, câu nói đó áp vào tôi thì hình như chỉ đúng một nửa. Bởi tôi hay sang mang đồ từ nhà mẹ về nhà mình nhiều hơn là đem đồ sang nhà mẹ.
Kể cả khi đã lấy chồng thì mái nhà nơi có mẹ vẫn mãi là gia đình của tôi. Đó là lý do tôi luôn trở về dù bất cứ khi nào trong ngày, cả những khi mẹ đi vắng. Tôi ở cách mẹ chưa tới một cây số. Tôi tới lui thường xuyên đặc biệt vào mỗi sáng, tôi ghé về chỉ giây lát cốt để đem thức ăn sáng cho mẹ. Mẹ tôi khá bận rộn nhất là ban sáng, mẹ loay hoay heo, gà, nấu rượu... chừng ấy thôi là ngốn hết thời gian nên ít khi mẹ ăn sáng đúng giờ. Mẹ hay ăn tạm, ăn vội cho xong bữa, điều đó khiến tôi không yên lòng. Phải đến gần trưa, tôi mới có thời gian lâu hơn để về thăm mẹ, tiện thể nấu luôn bữa trưa cho cả hai nhà. Ngồi lặt rau, thái thịt vừa trò chuyện với mẹ, đó là một trong những niềm hạnh phúc giản dị của tôi và tôi tin rằng mẹ cũng thế.
Tranh của họa sĩ LÊ HUẾ
Tôi vẫn hay thắc mắc vì sao cứ mong tôi lấy chồng dù trong nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa nhau suốt hai mươi mấy năm ròng? Cho đến khi tôi sinh con thì mới hiểu được tâm tư của người làm mẹ. Người mẹ nào trên đời cũng muốn dành mọi thứ tốt đẹp cho con mình. Mẹ tôi không ngoại lệ. Tôi mang thai và sinh con đầu lòng. Mẹ chăm nom, lo lắng cho hai mẹ con tôi tròn trịa mọi điều. Tình yêu thương của mẹ không hề san sẻ mà nhân đôi lên cho con, cho cháu.
Ấy thế mà chính tôi nhiều lúc vẫn nặng nhẹ với mẹ chuyện chăm con cháu. Tôi luôn thúc ép mẹ trông cháu và mặc định đó là trách nhiệm của mẹ. Tôi thật tệ khi hễ đi làm về trông thấy con quấy khóc hay xây xước, tôi liền trách mẹ mà vô tâm với công tình mẹ bỏ ra. Tôi đã lấy danh nghĩa tình thương để bóc lột chính mẹ mình. Mẹ buồn đấy nhưng mẹ không giận bao giờ. Vì lòng mẹ luôn bao dung, rộng lượng như biển cả. Chính điều đó càng khiến tôi hối hận, ăn năn.
Quả thực “không có kỳ quan nào đẹp bằng trái tim người mẹ”. Sự vị tha của mẹ vượt qua ranh giới sân si đời thường. Mẹ luôn dành những gì tốt đẹp cho con cháu bằng sự lao động, chắt chiu cả đời. Chưa bao giờ, mẹ dám chạm tay vào thứ đồ đắt đỏ. Thế nhưng với con cháu, mẹ chẳng tiếc điều chi. Mẹ tôi rất ít khi cười. Nụ cười của mẹ chỉ rạng rỡ khi thấy con cháu được vui vẻ. Thế thôi với mẹ là hạnh phúc.
“Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” (Nguyễn Duy), mẹ tôi - một con người bé nhỏ nhưng có tình yêu vĩ đại, mà thật ra tôi luôn nghĩ rằng mọi bà mẹ với nhiều mức độ khác nhau đều vĩ đại. Từ tận đáy lòng tôi luôn muốn nói với mẹ tôi rằng “tạ ơn số phận cho con được làm con của mẹ”.