Ðèo Nhông - Dương Liễu hôm nay
Ðèo Nhông - Dương Liễu (huyện Phù Mỹ) - địa danh gắn liền với chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, vốn mang nhiều vết tích chiến tranh, nay đã thay da, đổi thịt. Hình ảnh những con đường bê tông phẳng lỳ chạy dài đến từng thôn xóm, các khu dân cư đông vui, những cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt, những trang trại, gia trại trù phú... là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của vùng đất này.
Mốc son chói lọi
Lịch sử ghi nhận, mùa xuân năm 1965, để phối hợp với chiến trường toàn miền Nam và làm đòn bẩy tiếp tục tạo thế cho quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm giải phóng vùng nông thôn, đồng bằng trên địa bàn huyện Phù Mỹ, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Tỉnh ủy Bình Định, Bộ Tư lệnh mặt trận A1 được nhanh chóng thành lập và đồn Dương Liễu (nay là đồi Sa Lem) được chọn làm điểm tiến công đầu tiên của quân và dân ta vào hệ thống bố phòng của Mỹ - ngụy.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo huyện Phù Mỹ dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: VĂN TỐ
Đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 Tết Ất Tỵ 1965, lực lượng chủ công Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3 Sao Vàng) cùng bộ đội địa phương đã bí mật, bất ngờ tập kích vào đồn Dương Liễu, khiến quân địch không kịp trở tay. Chỉ trong thời gian ngắn, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt gọn 1 đại đội cộng hòa và 4 trung đội dân vệ, thu 170 súng và nhiều quân trang, quân dụng các loại.
Hai ngày sau, địch cho 2 tiểu đoàn cộng hòa thuộc Trung đoàn 41 cùng 2 chi đội xe bọc thép M.113, có cả pháo binh và máy bay chiến đấu yểm trợ theo đường số 1 từ quận lỵ Phù Mỹ tiến ra Dương Liễu nhằm giải tỏa, tái chiếm. Trên đường kéo quân đến Đèo Nhông, địch vừa dò dẫm vừa sử dụng bom, pháo bắn phá liên tục dọc hai bên đường, nhưng cán bộ chiến sĩ của ta vẫn bình tĩnh chờ lệnh xuất kích. Đến 14 giờ cùng ngày, khi đội xe và bộ binh địch đi đầu chạm trán sát tuyến phục kích của ta tại Đèo Nhông, lực lượng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3 Sao Vàng) đã nhanh chóng khép kín vòng vây, toàn bộ lực lượng chủ lực địch đều nằm gọn trong đội hình phục kích của ta. Từ các điểm cao, hỏa lực của ta nhả đạn vào đúng đội hình trung tâm của địch.
Nhắc đến trận đánh Đèo Nhông - Dương Liễu, cụ Huỳnh Khắc Mẫn (81 tuổi, ở thôn Văn Trường Tây, xã Mỹ Phong) hồ hởi kể: Sau khi tham gia đánh ở Dương Liễu, chúng tôi được lệnh rút về khu vực Đèo Nhông để phục kích, đánh địch. Lực lượng chủ lực Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3 Sao Vàng) cùng bộ đội, du kích địa phương bao vây địch tại khu vực này. Trận đánh đã diễn ra rất ác liệt, quân địch thương vong vô số…
Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Thừa thắng xông lên, quân dân khắp nơi trong huyện, trong tỉnh nổi dậy phá ấp chiến lược, phá tan kềm kẹp, giành quyền làm chủ. Hơn 1 tháng sau chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu, ta đã giải phóng thêm 132 thôn và hầu hết các xã với hơn 170 nghìn dân được hoàn toàn tự do.
Khu vực đèo Nhông thuộc địa bàn xã Mỹ Trinh nổi bật với những ngôi nhà khang trang. Ảnh: T.SỸ
Theo Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ Nguyễn Văn Dũng, chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu là mốc son chói lọi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Phù Mỹ nói riêng, tỉnh Bình Định nói chung. Với ý nghĩa to lớn đó, năm 1985, huyện Phù Mỹ đã khởi công xây dựng tượng đài - công trình di tích lịch sử mang tên Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu ngay trên vùng đất đã xảy ra trận đánh và được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Ngày nay, mùng 5 tháng Giêng âm lịch được coi là một trong những ngày hội truyền thống lịch sử của huyện Phù Mỹ nói riêng và của tỉnh Bình Định nói chung với Lễ hội Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu.
Cuộc sống mới, sức sống mới
Gần 50 năm sau ngày giải phóng, vùng đất này đang khởi sắc từng ngày. Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phong Trần Thanh Tuấn cho biết: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã đã chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần đưa KT-XH địa phương phát triển toàn diện. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa và bê tông hóa; 100% đường trục thôn, liên thôn, ngõ xóm, liên xóm được bê tông hóa, cứng hóa; 100% đường trục chính nội đồng được bê tông hóa, cứng hóa, đảm bảo an toàn, thuận lợi, thông suốt quanh năm. Năm 2021, Mỹ Phong đã đạt chuẩn NTM; đến năm 2023, tổng giá trị sản xuất của xã đạt hơn 456 tỷ đồng, tăng 39,57 tỷ đồng so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 3,13% . Riêng khu vực Đèo Nhông, nếu trước đây gần như chỉ những hộ ở vùng mặt tiền QL 1 phát triển kinh doanh, dịch vụ khấm khá thì nay, thậm chí những hộ có nghề trồng rừng, phát triển vườn cây ăn trái quanh khu vực này còn khá hơn.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại cây ăn quả nằm dưới chân đèo Nhông, ông Đỗ Văn Hùng, ở thôn Phú Diêu, cho hay: Thời điểm chúng tôi đến đây lập nghiệp, khu vực này toàn cây gai, bụi rậm, hoang vu lắm! Nay dân cư đông đúc, đường bê tông đến từng ngõ xóm, công việc làm ăn thuận lợi. Riêng gia đình tôi trồng 3,5 ha xoài và bưởi, đầu tư nuôi 10 con bò, sản xuất 5 sào bắp và đậu phụng để lấy ngắn nuôi dài. Chỉ tính riêng tiền bán xoài, bình quân mỗi năm gia đình tôi có doanh thu từ 200 triệu đồng/ha. Hiện nhiều hộ khác cũng có mức thu nhập tương tự.
Ông Đỗ Văn Hùng, ở thôn Phú Diêu, xã Mỹ Phong chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh. T.SỸ
Nằm phía Nam đèo Nhông, thôn Chánh Thuận, xã Mỹ Trinh - nơi từng mang nhiều vết tích chiến tranh, nay đã khoác lên mình một chiếc “áo mới” đầy sức sống. Ông Đặng Thanh Hải, ở thôn Chánh Thuận cho biết: Trước đây bà con chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống, sau đó là trồng thêm rừng, làm vườn ươm kinh doanh cây giống lâm nghiệp. Mấy năm gần đây, nhiều hộ còn đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, đầu tư phát triển cây ăn trái, nhờ đó đời sống thay đổi hẳn.
Theo ông Võ Thanh Hoàng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trinh, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, từ năm 2015 Mỹ Trinh đã đạt chuẩn NTM. Hiện xã đang nỗ lực xây dựng NTM nâng cao. Chương trình xây dựng NTM không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà đã tác động trực tiếp đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đặc biệt, khu vực Đèo Nhông - Dương Liễu thuộc địa bàn xã Mỹ Trinh, có hệ thống giao thông thông thoáng, nhà dân được xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại, mọc lên bên cạnh những cánh rừng, những vườn cây ăn quả, cuộc sống của người dân tốt hơn trước rất nhiều.
MINH HẰNG