Quan tâm hơn nữa đội ngũ nghệ nhân
Bình Định có kho tàng di sản văn hóa đậm đặc, mang bản sắc riêng; trong đó, những di sản văn hóa phi vật thể như nghệ thuật hát bội, bài chòi, võ cổ truyền, lễ hội dân gian… được bảo tồn và phát huy giá trị. Đóng góp lớn vào công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể đó, phải nhắc đến vai trò rất quan trọng của đội ngũ nghệ nhân - những “báu vật sống” trong lưu giữ, trao truyền và khai thác vốn quý văn hóa của cha ông để lại.
Nhà nước có chính sách để tôn vinh danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, cũng như chính sách hỗ trợ chế độ hằng tháng cho nghệ nhân khi được phong tặng danh hiệu, đó là cần thiết. Tuy nhưng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Ở Bình Định có rất nhiều nghệ nhân, phần lớn dù tuổi “xưa nay hiếm” vẫn đam mê, nhiệt huyết với di sản văn hóa. Nỗi trăn trở của họ là làm sao giữ được hồn cốt dân tộc, trao truyền cho thế hệ trẻ giữ gìn, bảo tồn và tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa ở địa phương, mà không nghĩ tới việc sẽ được tôn vinh, được nhận chế độ hỗ trợ. Nhiều nghệ nhân nói rằng, khi có sự kiện như hội thi, hội diễn thì chính quyền địa phương mới nhớ và tìm đến họ, còn câu chuyện về lòng nhiệt huyết muốn truyền dạy cho thế hệ trẻ kế thừa, thực hành di sản thì dường như lơ là!
Nghĩ lại, nếu đã quan tâm đầu tư rất nhiều công sức, tiền của để bảo tồn di sản văn hóa, lẽ nào không có sự đầu tư chính đáng đối với nghệ nhân. Đừng để những “báu vật sống” ra đi mang theo vốn liếng di sản quý giá của cha ông về với lòng đất.
Hy vọng rằng đội ngũ nghệ nhân trong tỉnh sẽ được chăm lo, có chính sách đãi ngộ về vật chất; quan tâm việc lựa chọn, xét tặng danh hiệu nghệ nhân “đúng người, đúng việc”, cũng như kịp thời thăm hỏi khi nghệ nhân ốm đau, bệnh tật cũng là niềm động viên, khích lệ tinh thần rất lớn đối với họ, kể cả lớp trẻ sau này kế nghiệp. Ngành chức năng, cũng như chính quyền các địa phương cần nhận thức sâu sắc vai trò của nghệ nhân và trách nhiệm vun đắp cho nghệ nhân, có như vậy di sản văn hóa mới “sống” được!
ÐOAN NGỌC