Nhen lên tình yêu sách
Không chỉ là tác giả văn học mà còn là một người mẹ, một nhà giáo, các tác giả nữ đã hình thành thói quen đọc sách cho con và các bạn nhỏ xung quanh, góp phần tạo nền tảng văn hóa đọc cho cộng đồng từ những điều nhỏ nhất.
Để hồn trẻ dịu mát, trong lành
Tác giả Mộc An (tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Trinh, ở huyện Tuy Phước, hiện là giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn) có nhiều ấn bản dành cho thiếu nhi như: “Đậu Đậu Sâu Sâu Be Bé” (in chung với tác giả Thùy Trang), “Nếu một ngày chúng tớ biến mất”, “Nhạc sĩ đường phố”, “Ở một nơi có rất nhiều rồng”. Các tác phẩm văn xuôi đó cùng tập thơ “Cây cầu lấp lánh” góp phần mang những câu chuyện trong lành, thú vị đến với độc giả nhí. Lấy cảm hứng từ thế giới xung quanh, ký ức và kỷ niệm, những hình ảnh, ngôn ngữ trong tác phẩm của Mộc An ngập tràn sự trong trẻo, ngộ nghĩnh, đáng yêu. Theo tác giả Mộc An, thế giới người lớn có thể có sự đan cài giữa cái tốt và cái xấu, nhưng viết cho thiếu nhi chị sẽ lọc bỏ cái tạm gọi là “tạp chất”, chỉ giữ lại nét thuần khiết nhất.
Các tác phẩm của Mộc An đều lấy cảm hứng từ con trai. Ảnh: T.K
Ngoài “Đậu Đậu Sâu Sâu Be Bé” in chung, tác giả Thùy Trang (tên đầy đủ là Nguyễn Đặng Thùy Trang, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) còn có “vốn riêng” là tập truyện “Xương cá biết nói”. Qua những câu chuyện dễ thương, đáng yêu, chị mong muốn mang lại góc nhìn trẻ thơ trong lành, làm dịu mát tâm hồn cho độc giả.
Thông thường, đối với các tác giả nữ, con là độc giả đầu tiên cũng là niềm cảm hứng cho các sáng tác. Mộc An cũng không ngoại lệ. Tập thơ “Cây cầu lấp lánh” tập hợp những ký ức của chị khi con còn bé. Đó là những câu hỏi, những nghĩ suy hồn nhiên, ngây thơ của cậu bé về mọi việc. Còn với văn xuôi, chị viết những gì con thích đọc, như một cách giúp con gìn giữ thói quen đọc sách.
Tương tự, tác giả Thùy Trang chia sẻ: “Khi có con, có điều kiện theo dõi tâm lý trẻ nhỏ, tôi cảm thấy cần chăm chút hơn cho tác phẩm của mình. Tôi hiểu rằng các bạn nhỏ rất yêu thích những thứ mới lạ, hấp dẫn. Là người mẹ, là một người viết, tôi sẽ ngày càng cố gắng để có tác phẩm mới lạ, sáng tạo, có sức hút, mang đến những điều dịu mát, trong lành cho trẻ”.
Đọc để tư duy tốt hơn
Từ thực tế sáng tác cũng như cuộc sống, tác giả Mộc An cho rằng, các mẹ nên dành ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ để đọc sách cho con nghe. Có thể chưa biết mặt chữ, nhưng qua câu chuyện được nghe, các bé sẽ hình thành được nhiều khái niệm về thế giới xung quanh. Đồng thời, lúc đó các bé sẽ có những thắc mắc và mẹ phải suy nghĩ để trả lời, giải thích cho con. Sự tương tác giúp mẹ và con có sự kết nối ngày càng bền chặt hơn.
“Ngày nhỏ dù chưa bước ra khỏi xóm làng, nhưng nhờ đọc truyện của Andersen mà chúng ta có thể tưởng tượng ra dãy núi Alps, hồ nước xanh biếc, vẻ đẹp của phong tục, văn hóa các nước ở châu Âu... Từ đó, hiểu biết về thế giới xung quanh cũng được mở rộng. Bên cạnh đó, ngôn ngữ là công cụ của tư duy, các bé được tiếp xúc với sách sớm sẽ hình thành được vốn ngôn ngữ dồi dào hơn, giúp các con tư duy tốt hơn. Nhờ vậy, trong quá trình học tập các bạn sẽ tiếp thu kiến thức nhanh hơn”, chị Mộc An thổ lộ.
Chị Nguyễn Đặng Thùy Trang mong muốn mang đến cho độc giả góc nhìn trong trẻo của trẻ thơ. Ảnh: NVCC
Tác giả Thùy Trang cho hay chị luôn cố gắng tạo điều kiện cho con đọc sách và cảm nhận về sách. Đối với học sinh, trong giờ học Văn, khi trao đổi về các tác phẩm văn học, chị luôn nhấn mạnh đến vai trò của đọc sách và việc duy trì thói quen đọc sách hằng ngày.
Còn theo tác giả Mộc An, ở thời đại công nghệ ngày càng phát triển, việc đưa các bạn nhỏ trở về với trang sách là thách thức rất lớn không chỉ với gia đình mà cả nhà trường, xã hội. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21.4 hằng năm là một hình thức lan tỏa văn hóa đọc. “Tôi nghĩ cần có nhiều thời gian, hành động thiết thực để đọc sách dần trở thành thói quen, xa hơn là nhu cầu của mỗi người”, chị nói.
THẢO KHUY