Hoài Ân xác định hai vùng phát triển
Chủ đạo phát triển KT-XH của huyện Hoài Ân là phát triển đô thị nằm ở vùng phía Ðông huyện, trong khi đó vùng phía Tây định hướng bảo tồn sinh thái tự nhiên, phát triển nông lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi công nghệ cao và du lịch.
Đây là 2 vùng phát triển chính được xác định trong Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hoài Ân đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.
Phát huy lợi thế vùng sản xuất
Quy hoạch huyện Hoài Ân thực hiện trên tổng diện tích khoảng 753,198 km2, gồm thị trấn Tăng Bạt Hổ và 14 xã. Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho hay định hướng huyện Hoài Ân thành 2 vùng phát triển chính trên cơ sở quy hoạch tỉnh, phương án phát triển KT-XH huyện, cùng với đặc điểm tự nhiên, địa hình khu vực, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và khả năng kết nối, đặc biệt các hành lang kinh tế đô thị.
Vùng phát triển phía Đông gồm thị trấn Tăng Bạt Hổ và 9 xã: Ân Thạnh, Ân Đức, Ân Phong, Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Ân Tín, Ân Mỹ, là vùng phát triển KT-XH chủ đạo của huyện. Đây cũng là vùng phát triển đô thị gắn liền với thương mại, dịch vụ dọc các tuyến ĐT 630, ĐT 638; phát triển khu vực Phú Văn (Ân Thạnh) và khu vực hợp lưu giữa sông An Lão, sông Kim Sơn (khu vực Mõm Nhái) trở thành khu vực thương mại - dịch vụ - đô thị; hình thành đô thị mới Ân Tường Tây. Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho các cụm công nghiệp hiện hữu; phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao và loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp…
Vùng phát triển phía Tây có 5 xã: Ân Sơn, Đak Mang, Ân Hữu, Bok Tới, Ân Nghĩa, xác định là vùng bảo tồn sinh thái tự nhiên, phát triển nông lâm nghiệp, kết hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại xã Ân Hữu. Đồng thời, phát triển loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm, hình thành trung tâm du lịch văn hóa cộng đồng tại trung tâm xã Ân Nghĩa.
Quy hoạch xác định phía Đông là vùng phát triển KT-XH chủ đạo của huyện. Ảnh: H.M
Trên cơ sở đó, quy hoạch sản xuất của địa phương phát huy lợi thế vùng sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm chủ lực như lúa, bắp, dâu tằm, bưởi, rau, đậu các loại… liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững.
Ngoài 7.787 ha sản xuất lúa, theo quy hoạch huyện tính toán phát triển khoảng 1.175 ha diện tích trồng cây ăn quả tập trung tại Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Nghĩa, Ân Thạnh, Ân Đức, Ân Hữu… tăng lên 2.500 ha để xây dựng những vùng trồng cây ăn quả tập trung với chủ lực bưởi da xanh, dừa xiêm… Vùng phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao gắn du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp tập trung ở phía Đông huyện, nằm dọc sông An Lão, sông Kim Sơn và các nhánh của hai con sông này. Phát triển du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, thám hiểm rừng, khám phá thiên nhiên tập trung phía Tây thuộc các xã Ân Sơn, Đak Mang, Ân Hữu, Bok Tới, Ân Nghĩa. Huyện quy hoạch khu vực bố trí các trang trại chăn nuôi công nghệ hiện đại như heo, bò, gà, gà thả đồi… khoảng 155 ha.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế về lâu dài, huyện mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp gắn với rừng gỗ lớn, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến hàng hóa nông, lâm sản, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh Cụm công nghiệp Dốc Truông Sỏi (19,02 ha), Cụm công nghiệp Du Tự (mở rộng 15 ha đến năm 2030), Cụm công nghiệp Gò Bằng (mở rộng 40 ha đến năm 2035) để thu hút đầu tư…
Huyện sẽ tăng diện tích trồng cây ăn quả, xây dựng vùng trồng tập trung với những sản phẩm chủ lực bưởi da xanh, dừa xiêm… Ảnh: H.M
Phát triển 3 đô thị tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng
Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Hoài Ân cùng với Hoài Nhơn, Phù Mỹ, An Lão phát triển bảo tồn rừng tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái; chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản công nghệ cao; các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới; sản xuất thiết bị phụ trợ, chế biến gang thép, đóng tàu, cảng biển - logistics, với đô thị trung tâm tiểu vùng là Hoài Nhơn.
Theo ông Phong, hiện địa phương mới có 1 đô thị loại V là thị trấn Tăng Bạt Hổ. Các loại hình thương mại, dịch vụ mới chỉ phục vụ các nhu cầu thiết yếu của địa phương, do đó tốc độ đô thị hóa và quy mô phát triển đô thị chậm nên quy hoạch vùng huyện xác định 4 trụ cột tăng trưởng. Cùng với 3 trụ cột phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản, chăn nuôi và trồng rừng gỗ lớn, thương mại và dịch vụ, thì trụ cột phát triển đô thị bền vững xác định sẽ có thêm 2 đô thị loại V là Ân Tương Tây (đến năm 2030) và Ân Mỹ (sau năm 2030) để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các đô thị có tiềm năng kết nối mạnh với hành lang kinh tế QL 1 thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ; góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH đô thị trung tâm phân vùng phía Bắc là TX Hoài Nhơn và ngược lại.
Trên cơ sở quan tâm chú trọng phát triển đô thị, Hoài Ân cũng định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông đối ngoại và giao thông kết nối trên địa bàn.
MAI HOÀNG