Thanh minh trong tiết tháng Ba…
“Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”, từ xa xưa, thanh minh đã trở thành nét đẹp tín ngưỡng văn hóa tâm linh mang nhiều ý nghĩa trong đời sống của người Việt Nam nói chung, Bình Ðịnh nói riêng.
Nét riêng ở Bình Định
Phân tích rõ hơn về lễ thanh minh, sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính viết trong phần tứ thời thiết lập, như sau: “Trong khoảng tháng Ba, có một tiết hậu gọi là tiết thanh minh. Thanh minh nghĩa là trời độ ấy mát mẻ quang đãng. Tục Tàu (Trung Quốc) hôm ấy, giai nhân, tài tử đua nhau đi tảo mộ, gọi là hội đạp thanh. Ta không ăn tết ấy, nhưng cũng nhiều người nhân dịp ấy mà đi tảo mộ. Tảo mộ là đi thăm mộ tiền nhân, cỏ rậm thì phát cho quang, đất khuyết thì đắp bồi lên, rồi về nhà cũng làm cỗ cúng gia tiên”.
Năm nay, tiết thanh minh bắt đầu từ ngày 5.4 (tức 27.2 âm lịch) và kéo dài đến ngày 19.4 (11.3 âm lịch) trong khoảng 15 ngày. Như nhiều địa phương khác, tế thanh minh ở Bình Định cũng được tổ chức khá bài bản và có những nét đặc sắc riêng. Lễ cúng thanh minh thường được tổ chức vào tháng Ba âm lịch - đúng với tiết thanh minh. Tuy nhiên ở Bình Định lễ cúng này gắn với hoạt động tế lễ tại địa phương chứ không gắn theo tiết khí, thường được người dân tổ chức từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Tại từng địa phương, tùy theo thời điểm mà làng xã ấn định chọn một ngày cố định hoặc đúng theo tiết thanh minh hằng năm; việc tổ chức thường diễn ra tại đình làng, thanh minh tự hoặc theo từng xóm dân cư.
Ngoài các nghi lễ cúng thanh minh, ở đình làng An Cửu còn có nghi thức rước sắc, khai sắc phong của các vua triều Nguyễn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
TS Võ Minh Hải, Phó Trưởng khoa Khoa học - Xã hội và Nhân văn, kiêm Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản (Trường ĐH Quy Nhơn), cho biết: Ở Bình Định, lễ thanh minh hằng năm được cộng đồng dân cư nhiều nơi tổ chức không chỉ mang ý nghĩa tế tổ mà còn là một hoạt động kỳ yên trong quan niệm tế lễ xuân thu nhị kỳ. Không chỉ thế, cúng thanh minh trong cộng đồng còn hướng đến việc tế cúng thần Bổn cảnh thành hoàng, truy niệm những người có công đóng góp khai canh mở đất; dẫy cỏ ở những ngôi mộ không có người thân chăm sóc, gắn với nét đẹp nhân văn, nhớ ơn tiền nhân trong hành trình mở cõi của văn hóa làng xã.
Rộn ràng tổ chức thanh minh
Nhiều nơi ở Bình Định dịp lễ thanh minh, dân làng tự góp của góp công tổ chức, còn mời dân làng các địa phương lân cận đến chung vui, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo ông Đặng Văn Minh, Trưởng thôn An Cửu (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước), lễ thanh minh ở đây được tổ chức hằng năm chọn theo tiết khí, năm nay tổ chức vào ngày 24.2 âm lịch. Đây là dịp để mọi người gặp nhau, chung vui gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Thôn còn mời đại diện thủ từ các cơ sở tín ngưỡng lân cận, như: Đình làng Biểu Chánh, ở thôn Biểu Chánh (xã Phước Hưng) và miễu Bà, ở thôn Định Thiện Đông, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) đến dự để thêm vui.
Lễ thanh minh ở Bình Định mang nét đẹp văn hóa làng xã, gắn kết thêm tình làng, nghĩa xóm tại những địa phương. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo lệ hằng năm, bà con nhân dân thôn An Cửu tổ chức lễ thanh minh tại đình An Cửu, đúng 3 năm sẽ tổ chức hát bội. Cụ Nguyễn Tấn Sỹ (80 tuổi), bồi tế đình An Cửu, góp chuyện: Ngoài các nghi lễ cúng tế thông thường, lễ thanh minh ở thôn An Cửu trang trọng hơn nhiều nơi khác khi có thêm nghi thức rước sắc, khai sắc phong của các vua triều Nguyễn. Để tăng tình đoàn kết cộng đồng, chúng tôi tổ chức dẫy cỏ cho những ngôi mộ vô chủ trong thôn. Ngoài lễ thanh minh, đình làng còn lệ cúng thượng nguyên, trung nguyên, hạ nguyên, tất niên, cúng tết Nguyên đán… nguyện cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Đến cúng thanh minh đình An Cửu, ông Mang Thanh Lang, trưởng miễu Đông thôn Định Thiện Đông, xã Phước Quang, chia sẻ: Miễu Đông tại xóm tôi tổ chức lễ thanh minh vào mùng 10.2 âm lịch hằng năm, bà con quanh miễu cùng đóng góp tổ chức, lâu nay đều mời đại diện thủ từ đình An Cửu sang dự lễ, rồi chúng tôi lại đình An Cửu để cúng thanh minh. Qua lại như vậy không chỉ góp thêm nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tâm linh, mà còn tạo thêm tình cảm giữa nhân dân hai địa phương giáp ranh.
Tại xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn), lễ thanh minh được tổ chức nhiều nơi theo từng xóm dân cư, riêng thôn Thái Thuận tổ chức tại đình làng theo quy mô toàn thôn. Cụ Phạm Hồng Thái (76 tuổi), Chi hội trưởng người cao tuổi thôn Thái Thuận, cho biết: Theo lệ ở đây, vào mùng 2.3 âm lịch hằng năm, bà con trong thôn cùng đóng góp tổ chức lễ thanh minh theo phong tục truyền thống. Lễ thanh minh cúng những vị thành hoàng, hậu thổ, các vị tiền hiền, hậu hiền có công với làng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, cũng như cúng vong linh những người đã khuất không rõ nhân thân, thể hiện đạo nghĩa nhân văn của người Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng.
Chia sẻ thêm về giá trị văn hóa của đình làng Thái Thuận trong vai trò gắn kết cộng đồng, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng thôn Thái Thuận, cho biết: Thanh minh là lễ lớn nhất được cộng đồng dân cư trong thôn duy trì tổ chức hằng năm. Người góp bình hoa, nải chuối, góp gạo, đóng tiền, người góp công, tất cả đều vui vẻ. Ngoài lễ thanh minh, ban nhân dân thôn cùng chi hội người cao tuổi của thôn cùng góp quỹ để cúng rằm hằng tháng. Đình làng cũng là nơi mỗi người dân xa quê trở về đến cúng bái nguyện cầu những điều tốt đẹp đến với gia đình, bản thân, là biểu tượng văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN