Thổi hồn vào đá
Những viên đá phủ đầy rong rêu hay những mảnh gạch vỡ qua bàn tay con người đã trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Vẽ tranh trên đá từ lâu là bộ môn nghệ thuật được nhiều người theo đuổi.
Anh Phạm Huy Linh (giáo viên lớp dạy vẽ thiếu nhi ở số 14 Lê Thanh Nghị, TP Quy Nhơn) yêu thích phong cách vẽ tranh trên đá từ lâu. Ngoài giờ dạy vẽ cho các em thiếu nhi, anh Linh còn dành thời gian vẽ tranh trên đá cuội tặng bạn bè. Công việc thổi hồn vào đá, biến những viên đá vô tri trở thành những tác phẩm đặc sắc mất nhiều thời gian và trải qua khá nhiều công đoạn.
Anh Linh vẽ tranh trên đá để làm quà lưu niệm tặng bạn bè. Ảnh: TÀI NGÂN
Anh Linh cho biết, để có được một tác phẩm đẹp, cần phải tỉ mẩn trong khâu lựa chọn đá (chọn loại đá dẹp, nhẵn, không bị vôi bột…); sau khi nhặt từ sông, suối về phải rửa thật sạch sẽ, phơi khô. Để bức tranh có hiệu ứng màu sắc tốt nhất, phải phủ một lớp bột acrylic màu trắng trước rồi mới bắt đầu vẽ phác thảo. Công đoạn cầu kỳ, quyết định độ thẩm mỹ của bức tranh là vẽ chi tiết và nhấn các điểm sáng tối trong bức tranh. Thời gian để hoàn thiện một tác phẩm còn phụ thuộc vào tay nghề và độ công phu của tranh, có khi phải mất cả ngày, nhanh nhất là 2 giờ đồng hồ. Những người vẽ chuyên nghiệp như anh Linh khi chuyển qua vẽ tranh trên đá thường chỉ mất vài tháng là có thể tạo ra những tác phẩm có giá trị.
“Khâu chọn đá rất quan trọng. Chọn đá đẹp thì bức tranh sẽ đẹp và có giá trị. Vẽ tranh trên đá hay trên vải đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, điều quan trọng là biết làm quen với chất liệu. Nhìn thấy người khác thích thú trước những bức vẽ chính là niềm hạnh phúc của tôi”, anh Linh chia sẻ.
Hoạt động vẽ tranh trên đá cũng thu hút khá nhiều bạn trẻ thế hệ “Gen Z” và thiếu nhi tham gia. Ngôi nhà nhỏ của bạn Mai Thị Thu (SN 2000, ở khu phố 5, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) là nơi trẻ em trong khu phố tụ tập cùng vẽ tranh trên đá mỗi dịp cuối tuần. Từ khi còn là sinh viên, Thu đã học hỏi trên Youtube cách vẽ tranh trên đá và tự sáng tạo các bức tranh ngộ nghĩnh để treo trong nhà. Lâu dần, trẻ em trong xóm cũng tìm đến nhờ cô Thu chỉ dạy.
“Là người không chuyên nên tôi ưu tiên vẽ các chi tiết ngộ nghĩnh như con mèo, bông hoa nhiều màu sắc để trang trí góc học tập. Các loại đá được đặt mua trên mạng với giá khá rẻ. Các em nhỏ được thỏa sức sáng tạo trên đá. Đôi khi những nét vẽ ngây thơ của các em lại chính là điểm nhấn giúp bức tranh đẹp theo cách riêng”, Thu tâm sự.
Em Nguyễn Thị Bích Vy (ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) chăm chú vẽ tranh trên đá tại lớp học của bạn Thu. Ảnh: X.Q
Từ những viên đá nhỏ được trang trí, các bạn sắp xếp, đính kết lại thành bức tranh tổng thể. Các công đoạn vẽ và trang trí phải mất cả tháng để hoàn thiện. Những bức tranh này sẽ là món quà gửi đến bạn bè, người thân hoặc trang trí cho ngôi nhà thêm sinh động.
Một góc nhà của bạn Thu với nhiều tác phẩm đặc sắc. Ảnh: X.Q
Vẽ tranh trên đá là hoạt động lành mạnh, kích thích sự sáng tạo và khám phá của trẻ em. Em Phạm Linh Chi (học sinh lớp 5, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) bày tỏ: “Ở nhà em thường hay quan sát mẹ làm việc rồi vẽ lại. Mẹ em treo một bức tranh do em vẽ ở phòng khách để các thành viên trong gia đình cùng ngắm. Em rất yêu thích vẽ, hay nâng niu các tác phẩm của mình mỗi khi đi học về”.
XUÂN QUỲNH - TÀI NGÂN