Khẽ khàng hoa mận
* Truyện ngắn của PHAN ĐỨC LỘC
Ngày còn bé xíu, tôi từng tin vào câu chuyện mẹ tôi đi cắt cỏ về, ăn trái mận chín cuối mùa, mang thai rồi sinh ra tôi đen nhẻm và khẳng khiu như cành mận khô tháng Chạp. Cho đến một sớm mai, có đứa trẻ trạc tuổi tôi lũn cũn theo chân người đàn ông rắn rỏi đến căn nhà chòi lụp xụp nằm chới với bên chân núi này chơi và ngơ ngác hỏi: “Bố mày đâu?”, thì tôi mới vỡ lẽ ra rằng, ngoại và mẹ nói dối tôi.
Đó cũng chính là câu hỏi mà sau này, khi đến trường, tôi được nghe chúng bạn săm soi nhiều nhất...
Tròn bảy tuổi, mẹ gửi lại tôi cho ngoại rồi khăn gói đồ đạc lên thành phố. Còn tôi, tôi lủi thủi lớn lên trong sự ghẻ lạnh của bọn trẻ trong xóm. Bố tôi là ai? Liệu trên đời này, có đứa trẻ nào sinh ra mà không có bố như tôi? Tôi biết, nếu tôi hỏi ngoại, ngoại sẽ lại nghĩ ra một câu chuyện nào đó na ná như truyện cổ tích để vỗ về sự bướng bỉnh của tôi. Vậy nên, tôi đành im lặng đợi chờ và tin rằng một ngày không xa nào đó, bố sẽ về bên tôi như cách đàn chim thiên di về đây khi nắng xuân bắt đầu ấm áp…
***
Càng lớn, tôi càng ít nói. Tôi cắt tóc ngắn, mặc quần áo con trai và luôn cố tỏ ra lầm lì tạo nên một vỏ bọc cứng rắn. Nhưng cái vỏ bọc ấy không thể che chắn tôi trước những ánh nhìn soi mói, những câu nói gièm pha. Một lần, khi thằng Thỏa ngồi bàn dưới hỏi tên bố tôi, tưởng nó muốn chọc tức, tôi quay lại bất ngờ dộng cho nó một đấm sưng vều môi. Lần ấy, ngoại phải mua đường sữa mang tới tận nhà nó xin lỗi. Lúc trở về, ngoại buồn rầu dặn dò tôi đủ thứ:
- Hoàn cảnh của thằng Thỏa cũng khổ lắm. Nó mồ côi mẹ từ bé, lủi thủi lớn lên bên bố, việc gì cũng đến tay. Hai đứa bảo ban nhau mà học. Nhà mình nghèo, làm cái gì cũng phải biết thân biết phận.
Một tuần sáu buổi đi học thì ít nhất hai buổi tôi bị lũ bạn trong lớp sinh sự đánh nhau. Riết rồi tôi quen dần, không những thế còn chuyển sang thách thức những cặp mắt xoi mói, khinh ghét. Dù vậy, tôi nhiều lần đòi bỏ học. Ngoại chỉ lặng lẽ nhìn tôi nén tiếng thở dài. Tiếng thở dài mênh mang như triền cỏ lau một chiều trở gió:
- Mày không thương ngoại thì mày cứ bỏ học!
Tôi ngang bướng cãi lại lời ngoại:
- Ngoại không thương con thì ngoại cứ bắt con đi học!
Rơm rớm nhìn đứa cháu gái tả tơi áo quần, sẹo nhỏ sẹo to chi chít người, ngoại đành nuốt nước mắt ngậm ngùi, ôm tôi vào lòng rồi nghẹn ngào nói:
- Tội nghiệp con!
Từ ngày bỏ học, tôi về quanh quẩn chăn bò ven chân núi. Đầu xuân, hoa mận trắng thao thức cõi lòng. Ngoại dặn, hãy sống như một bông mận nhỏ, mỗi mùa xuân về, trong mưa phùn giá rét vẫn âm thầm bật lên sắc trắng thanh tao. Tôi luôn cảm nhận được rõ nét nỗi âu lo của ngoại dành cho tôi, đứa cháu gái có đôi mắt đượm buồn như những cánh mận cuối mùa rơi rụng...
Mẹ tôi đi biệt xứ mấy năm liền chẳng những đã không về mà tin tức cũng bặt luôn. Ngoại cháu tôi nương tựa vào nhau mà sống qua ngày, đoạn tháng. Chúng tôi ở đây, không có điện, không có cả một chiếc radio, nhịp sống dường như tách biệt hẳn với thế giới xung quanh. Căn nhà chòi mục nát dần theo những mùa giông bão. Tôi bắc thang trèo lên vá víu lại mái chòi bằng những tấm cỏ tranh tạm bợ ngoại miệt mài ngồi đan vào những chiều ngóng cánh chim tìm về thung lũng. Khi ngồi vắt vẻo nhìn xa xăm về phía xóm làng, tôi thấy căn chòi này cũng thực sự cô độc, cô độc như cái cách tôi thu mình lại trước cuộc sống muôn màu rộng lớn…
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Nghe thằng Thỏa mách chuyện tôi đã bỏ học hơn hai tuần nay, sáng ấy, khi tôi đang ngồi dưới gốc mận đơm hoa trắng muốt, tỉ mẩn chằm lại mấy lỗ rách trên cái rổ cũ, chuẩn bị đi nhặt phân bò thì chú Thuận, bố thằng Thỏa dẫn nó đến nhà chòi của tôi. Gặp tôi, giọng chú ôn tồn:
- Liên ơi, có phải tại thằng Thỏa nhà chú gây sự mà cháu bỏ học không?
- Dạ, không phải ạ. Cháu với thằng Thỏa thành bạn rồi. - Nói đến đây, không kìm nổi, tôi bật khóc tức tưởi. - Nhưng những đứa khác không tha cho cháu.
- Đấy, bố thấy chưa. - Thằng Thỏa khẳng định. - Con không trêu nó!
Chú Thuận dỗ dành:
- Nín đi cháu. Cháu có muốn đi săn thỏ cùng bố con chú không?
Chỉ đợi có thế, tôi gật đầu tắp lự. Nắng lên dìu dịu, chú vừa buộc lại dây cung, vừa kể cho thằng Thỏa và tôi nghe về những kỷ niệm vui buồn đời chú. Cũng nhờ đó, tôi biết được rằng mẹ thằng Thỏa mất khi nó mới lên ba tuổi. Rồi đang tường thuật chuyện bắt lợn rừng, đột nhiên chú dừng lại, bùi ngùi bảo:
- Chú biết nhiều thứ nhưng không biết chữ. Thất học khổ lắm, con à. Nghe chú, hết Chủ nhật này, chú đưa con đến trường đăng ký học lại, nhé con?
Tôi mếu máo:
- Cháu sợ đến trường lắm.
Thằng Thỏa xen vào:
- Con Liên không có bố, đến trường toàn bị chúng bạn… coi thường lắm, bố ơi. - Bí từ, nó gãi gãi đầu - Hay bố… nhận nó làm… làm… con nuôi đi bố!
Đôi mắt thẳm đen của chú Thuận nhìn sâu vào đôi mắt lay láy chờ đợi của thằng Thỏa rồi nhìn sang đôi mắt mọng nước của tôi, sững sờ. Mặt đỏ bừng lên ngượng ngập, tôi bối rối lảng nhìn theo sóng cỏ gợn nhẹ phía xa thung lũng. Chú Thuận mỉm cười, nhè nhẹ gật đầu:
- Hai đứa con ngoan của bố! Nhưng để bố nói chuyện với bà đã nhé.
Kể từ ấy, tôi không còn nỗi mặc cảm là một đứa con hoang. Ở bên bố Thuận, tôi cảm thấy mình được bảo vệ, chở che, được hiền dịu đúng nghĩa là một cô gái nhỏ. Bố Thuận dạy thằng Thỏa và tôi nhiều thứ, từ săn thỏ, bẫy chuột cho đến làm kèn lá, kết giỏ cỏ khô. Thấy tôi nhí nhảnh nói cười và ra dáng con gái hơn, ngoại mừng lắm. Dù có ngoại, bố Thuận và thằng Thỏa bên cạnh, không hiểu sao tôi vẫn da diết nhớ mẹ. Không biết mẹ giờ đây thế nào? Hồi trước lâu lâu mẹ lại gửi về một lá thư ngắn. Tôi chậm rãi đọc cho ngoại nghe. Lần nào, ngoại cũng sụt sịt sống mũi. Nhưng hơn một năm nay, ngoại cháu tôi gửi đi mấy lá thư liền vẫn không nhận được hồi âm của mẹ. Người ta ác ý bịa đặt nhiều điều. Có người bảo mẹ lên thành phố làm gái rồi bị nhiễm HIV. Có người bảo mẹ may mắn lấy được chồng đại gia và sống sung túc trong một ngôi biệt thự khang trang, tráng lệ.
Không hiểu sao, sau khi nghe những lời đồn thổi ấy, tôi lăn ra ốm một trận li bì. Bấy giờ là tháng Giêng, hoa mận đã bắt đầu e ấp lấp ló những nụ trắng xinh xinh. Bố Thuận và thằng Thỏa ghé thăm ngoại cháu tôi mỗi ngày, mang đến khi miếng sườn lợn rừng, lúc chục trứng tròn xinh, dặn ngoại nấu cháo tẩm bổ cho tôi. Sức khỏe của tôi dần tiến triển tốt hơn. Một hôm, tôi năn nỉ:
- Bố ơi, hôm nào bố đưa con lên thành phố thăm mẹ đi, bố!
- Con có công giảng bài cho con Liên. - Thằng Thỏa cũng vòi vĩnh. - Nên cho con đi cùng nữa, bố nhé?
- Được rồi, cả ba bố con mình sẽ cùng lên thành phố.
Bố con tôi chưa kịp lên thành phố thì vào buổi chiều nhiều gió ấy, một chiếc ô tô màu đen bất thình lình dừng lại trước nhà chòi. Đang ngồi nhặt hoa mận rụng, tôi khựng lại, nhìn trân trân. Cánh cửa xe khẽ mở, mẹ tôi chầm chậm bước ra. Tôi lặng người đi, rồi thảng thốt:
- Mẹ! Mẹ ơi!
Tôi sung sướng chạy ào về phía mẹ. Và tôi dồn sức ôm mẹ thật chặt như thể sợ rằng nếu tuột tay mẹ sẽ bay mất tựa một quả bóng bay. Mẹ đưa bàn tay trái nhẹ vuốt những sợi tóc mai lòa xòa trên trán tôi, đôi mắt long lanh nước:
- Con gái, mẹ về với con rồi đây!
Mẹ đáp lại sự xúc động dâng trào của tôi bằng một nửa vòng ôm. Tôi chợt sửng sốt nhận ra cánh tay phải của mẹ không còn nữa. Một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng tôi. Thẫn thờ lay lay ống tay áo mẹ, tim tôi nhói lên thành lời:
- Mẹ ơi! Tay mẹ bị làm sao thế này?
Mấy ngày sau, cứ nghĩ lại chuyện mẹ kể, tôi vẫn phải liên tục đưa hai ngón tay ghìm hốc mắt lại, ngăn những dòng nước chảy ra. Chiều Tất niên năm ngoái, mẹ đang còng lưng đẩy nốt chuyến rác cuối cùng kẻo trời mưa thì đột nhiên một chiếc xe tải mất lái rầm rập lao về phía cậu bé đang mải mê đuổi theo quả bóng dưới lòng đường. Mẹ chạy như bay ngược hướng chiếc xe tải, cứu thoát cậu bé trong gang tấc. Khoảnh khắc đương đầu nghẹt thở ấy, những bánh xe tải hung hăng cũng đã cướp đi của mẹ cả cánh tay phải trong chớp nhoáng.
- Nếu thời gian quay ngược lại, mẹ có làm thế không mẹ?
- Mai này lớn hơn chút nữa, con sẽ hiểu. - Giọng mẹ nhỏ nhẹ mà chứa đầy lạc quan. - Mất một cánh tay để cứu lấy sinh mạng của cậu bé, mẹ đớn đau nhưng không hối hận, con gái ạ.
Nói rồi, mẹ dùng cánh tay trái còn lại, ôm tôi vào lòng, âu yếm. Đúng lúc ấy, bố Thuận và thằng Thỏa đến, tay bố xách một con gà rừng. Bố Thuận lúng túng:
- Bố con tôi mang gà cho… mẹ con em nấu cháo.
Mẹ luống cuống chưa biết nói gì, tôi đã nheo nheo mắt:
- Con gà này chỉ dành riêng cho mẹ thôi, đúng không bố?
Bố Thuận đưa những ngón tay cáu nhọ quệt lên má tôi:
- Phạt cái tội nói năng lung tung này.
Lém lỉnh ghé miệng vào tai thằng Thỏa, tôi thì thào nhưng vẫn cố ý để mẹ và bố Thuận nghe thấy:
- Mày muốn có mẹ không? Lâu nay mày cho tao có bố nuôi. Giờ tao cho mày nhờ mẹ nuôi nhá.
Thằng Thỏa nháy mắt:
- Đúng rồi. Chúng ta sắp thành người một nhà rồi phải không?
Đôi gò má mẹ tôi bỗng nhiên ửng đỏ: - Hai đứa quỷ sứ này!
Đang nhóm bếp, ngoại quay ra, hiền hậu mỉm cười.
Như thể tán thành những điều tôi chia sẻ, một ngọn gió chở đầy cánh mận ùa vào nhà chòi hân hoan. Ngoài kia, hoa mận khẽ khàng nở rộ, trắng tinh khôi như màu váy cưới của mẹ bên cạnh màu áo sơ mi của bố Thuận, trong miền tưởng tượng của tôi…