Ứng phó nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người: Cẩn trọng phòng bệnh, không chủ quan
Tháng 4.2024, trường hợp mắc cúm A (H9N2) trên người đầu tiên của Việt Nam xuất hiện tại Tiền Giang; trước đó một bệnh nhân 21 tuổi ở Khánh Hòa tử vong do nhiễm cúm A (H5N1). Ðến nay, Bình Ðịnh chưa ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm trên người, tuy nhiên Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung khuyến cáo phải cẩn trọng phòng bệnh, tuyệt đối không chủ quan.
• Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người và lây từ người sang người?
Cúm gia cầm trên người có thể có triệu chứng nhẹ giống như cúm, viêm mắt, hoặc như bệnh hô hấp cấp tính. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào loại vi rút gây nhiễm trùng và đặc điểm của người bị nhiễm bệnh.
Ca cúm A (H9N2) trên người tại Tiền Giang là ca bệnh đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam. Thông tin từ Bộ Y tế, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có 98 ca bệnh từ năm 2015 đến nay, trong đó 2 trường hợp tử vong. Hầu hết trường hợp mắc có triệu chứng nhẹ và vừa, 2 trường hợp tử vong là có bệnh nền.
Cúm A (H9N2) là chủng độc lực thấp thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt. Khả năng lây nhiễm sang người vẫn còn hạn chế, những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh nặng là người có sức đề kháng yếu. Hiện chưa có bằng chứng về việc bệnh này lây nhiễm từ người sang người.
• Nguy cơ các bệnh cúm gia cầm lây nhiễm sang người trên địa bàn tỉnh thì sao, thưa ông?
Tại Bình Định, đến nay chưa ghi nhận ca bệnh cúm A (H5N1) trên người, tuy nhiên vào năm 2022 đã ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm trên đàn gia cầm tại huyện Vân Canh sau thời gian dài duy trì khống chế dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thời tiết hiện chuyển mùa và thay đổi bất thường, đây là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển, vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
• Ngành y tế có những giải pháp chủ động phòng chống nào?
Ngành y tế đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên người, kế hoạch phối hợp trong hoạt động phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác này. Chúng tôi cũng chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút ghi nhận tại địa phương; chủ động phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh trong chia sẻ thông tin, điều tra, giám sát dịch bệnh truyền từ động vật sang người; tuyên truyền phòng chống bệnh cúm gia cầm tại cộng đồng, những biểu hiện nghi ngờ, biện pháp phòng bệnh.
Ngành y tế tăng cường giám sát mẫu bệnh phẩm phát hiện sớm trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút. Ảnh: M.H
Thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật sẽ phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang và ngành Thú y tỉnh triển khai thí điểm hoạt động giám sát cúm gia cầm trên những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với gia cầm tại ổ dịch cúm gia cầm.
Xin nhắc lại là bệnh cúm gia cầm trên người có biểu hiện tương tự bệnh cúm khác hoặc một số bệnh khác, triệu chứng không rõ ràng nên việc chẩn đoán sớm, giám sát sớm cũng gặp khó khăn. Do đó, chúng tôi tập trung giải pháp ngăn chặn lây nhiễm từ gia cầm sang người; tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh, chú trọng các đối tượng có sức đề kháng kém và bệnh nền.
• Ông khuyến cáo gì cho người dân không?
Để phòng bệnh ta không ăn gia cầm, sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm cần tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
• Xin cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)