Phát triển nhà ở xã hội: Kiến nghị gỡ vướng cho chủ đầu tư và người mua nhà
Trên địa bàn tỉnh có 20 dự án nhà ở xã hội đã và đang được đầu tư xây dựng. Tỉnh kiến nghị Trung ương tiếp tục tháo gỡ vướng mắc để phát triển nhà ở xã hội, phục vụ nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Đến tháng 3.2024, trên địa bàn tỉnh có 20 dự án đầu tư nhà ở xã hội (NƠXH) đã và đang được triển khai trên diện tích 33,24 ha, tổng mức đầu tư khoảng 11.223 tỷ đồng. Những dự án này chủ yếu ở TP Quy Nhơn, đáp ứng khoảng 11.880 căn hộ cho người có thu nhập thấp.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo, thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ, Bình Định xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng khoảng 20.346 căn NƠXH; riêng đến năm 2025 có khoảng 38 dự án đầu tư NƠXH, hoàn thành khoảng 12.900 căn NƠXH. Năm 2024 tỉnh giao chỉ tiêu hoàn thành đưa vào sử dụng 1.400 căn hộ NƠXH vào chỉ tiêu phát triển KT-XH cho sở, ngành và địa phương thực hiện; đến nay hoàn thành đưa vào sử dụng 622 căn hộ NƠXH, đạt 44,42%.
Tất cả dự án NƠXH tại tỉnh đều đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Trong 10 dự án NƠXH đã được tỉnh thẩm định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà thì mức giá thấp nhất là 8 triệu đồng/m2, cao nhất là 15,9 triệu đồng/m2.
Dự án nhà ở xã hội đang được đầu tư xây dựng tại TP Quy Nhơn. Ảnh: DNCC
Trước những khó khăn trong phát triển NƠXH, cùng với chính sách chung, tỉnh Bình Định đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp thu hút DN đầu tư như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch… Dẫu vậy, một số chủ đầu tư dự án NƠXH cho hay, hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh liên quan đến phát triển và quản lý NƠXH còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng, chưa phù hợp thực tế.
Đơn cử, Luật Nhà ở năm 2014 quy định “được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng NƠXH”. Tuy nhiên, chủ một DN đang đầu tư 2 dự án NƠXH tại TP Quy Nhơn và TX Hoài Nhơn cho rằng, để được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi đầu tư xây dựng NƠXH, phải làm các thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn, rất mất thời gian, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án kéo dài. Trong khi Luật Nhà ở năm 2023 đã bỏ thủ tục thực hiện xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn; song vì hiện tại luật chưa có hiệu lực nên các dự án đang triển khai vẫn phải thực hiện thủ tục như Luật Nhà ở năm 2014.
Một vấn đề nữa là chưa có quy định cụ thể thủ tục việc hoàn trả lại hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư dự án phải nộp cho Nhà nước, kể cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) đối với trường hợp chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất...
Bên cạnh đó, có quy định dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% diện tích NƠXH trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng. Nhưng trên thực tế, theo nhiều chủ đầu tư, có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này, dẫn đến căn hộ cho thuê này để không, lãng phí, còn chủ đầu tư không được bán nên không thu hồi được vốn. Vấn đề này cũng được điều chỉnh tại Luật Nhà ở năm 2023, nhưng chưa có quy định xử lý, chuyển tiếp đối với dự án đã và đang triển khai theo quy định trước đây, gây khó khăn cho DN.
Ông Nguyễn Trường Vỹ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Tân Đại Minh - chủ đầu tư 2 dự án NƠXH Lamer 1, Lamer 2 tại TP Quy Nhơn, cho rằng quy định đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH theo Luật Nhà ở 2014 là phải đảm bảo điều kiện thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các hướng dẫn có liên quan không quy định rõ việc xác định thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Quy định bất cập này được bỏ tại Luật Nhà ở năm 2023, tuy nhiên luật này chưa có hiệu lực. Chủ đầu tư dự án NƠXH lẫn cơ quan quản lý nhà nước đang gặp khó khăn, lúng túng khi xét duyệt đối tượng để bán và cấp giấy chứng nhận nhà.
Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và cơ quan quản lý gặp khó khăn khi xét duyệt đối tượng mua nhà ở xã hội. Ảnh: M.H
Riêng với gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay mua NƠXH được đánh giá là không hấp dẫn. Bởi, quy định thời gian vay ưu đãi ngắn (3 năm); lãi suất vay 8%/năm đối với nhà đầu tư và 7,5%/năm với người mua nhà ở - cao hơn được vay từ Ngân hàng CSXH (4,8%/năm).
Ông Trần Viết Bảo cho hay, gần đây nhất là giữa tháng 4.2024, tỉnh tiếp tục báo cáo lên Trung ương kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở năm 2023 để sớm khắc phục những vướng mắc trên. Tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp quy định đơn giản hóa thủ tục cho vay gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng để các chủ đầu tư, người mua NƠXH nhanh chóng được tiếp cận, được giải ngân trong thời gian ngắn nhất, giảm lãi suất và kéo dài thời gian vay.
MAI HOÀNG